Ai cũng nói: “Hãy yêu bản thân đi!” nhưng sự thật là không nhiều người hiểu đúng ý nghĩa của cụm từ này.
Đó là lý do vì sao có những người có vẻ như đã “yêu bản thân” nhưng cả cuộc sống và tinh thần vẫn “dậm chân tại chỗ”.
1. Yêu bản thân là gì?
Hồi trước, mình từng đánh đồng giữa yêu bản thân và nuông chiều bản thân. Mình cho rằng yêu bản thân là hãy đáp ứng cho bản thân bất cứ nhu cầu nào mà nó mong muốn.
Muốn đẹp thì đi đắp mặt nạ, muốn giải trí thì xem phim, đọc truyện bất kể giờ giấc. Nhưng sau này, mình mới nhận ra hành trình yêu bản thân giống như tự làm cha, làm mẹ của chính mình, một cách nghiêm khắc, yêu thương nhưng cũng đầy độ lượng.
Theo Jeffrey Borenstein, chủ tịch tổ chức Nghiên cứu Não bộ & Hành vi:
“Yêu bản thân là trạng thái đánh giá cao bản thân phát triển từ những hành động hỗ trợ sự phát triển về thể chất, tâm lý và tinh thần của chúng ta.”
Khi yêu thương đúng cách, những hành động mà bạn làm cho bản thân không phải để thỏa mãn ham muốn tức thời mà nó sẽ hướng đến con đường hạnh phúc lâu dài.
Hôm nay mệt, bạn có thể cho phép bản thân lười tập thể dục một hôm hay ăn nhiều đồ ngọt hơn một chút. Nhưng ngày mai, bạn sẽ vẫn quay lại những thói quen lành mạnh đã thiết lập để hướng tới cơ thể gọn gàng, dẻo dai hằng ao ước.
Hôm nay bạn thấy căng thẳng và muốn giải trí bằng một vài tập phim nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ xem phim triền miên ngày, đêm để trốn chạy cuộc sống hiện tại.
Trên thực tế, những hành vi mang ý nghĩa trốn chạy như vậy không hề khiến cho bạn cảm thấy khá hơn mà thậm chí là tệ đi. Thời gian vẫn trôi và những vấn đề của bạn vẫn ngổn ngang ở đó.
Nếu không học cách yêu bản thân đúng đắn mà chỉ thỏa mãn những nhu cầu tức thời, bạn sẽ có xu hướng ngày càng lâm vào những bế tắc và khủng hoảng nghiêm trọng.
2. Tại sao việc học cách yêu bản thân lại quan trọng đến vậy?
Yêu bản thân đúng cách bao gồm việc chấp nhận đồng thời những giá trị tốt đẹp và những mặt hạn chế của chính mình. Vì vậy, yêu bản thân cũng đi kèm với sự chấp nhận bản thân.
Nếu bạn không yêu bản thân, bạn cũng khó có thể chấp nhận bản thân và điều này sẽ dẫn đến xu hướng tự chỉ trích: “Tôi vô dụng”, “Tôi không xinh đẹp”, “Tôi không thông minh”. Những kiểu suy nghĩ này sẽ khiến bạn mắc vào một mớ bòng bong của cảm xúc lo lắng, buồn bã và thất vọng không lối thoát.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Crocker và Knight năm 2005 cũng chỉ ra rằng việc có những cảm xúc tích cực về bản thân có thể là một yếu tố quan trọng giúp mang lại hạnh phúc và thành công.
Các bằng chứng thực tế cũng chỉ ra rằng việc tự yêu bản thân sẽ đem lại cho bạn một số giá trị tích cực về tinh thần như:
Chấp nhận bản thân nhiều hơn;
Lòng tự trọng cao hơn;
Có thêm động lực và quyết tâm mạnh mẽ;
Khả năng tự nhận thức tốt hơn;
Ít lo lắng hơn;
Ngủ ngon hơn.
Và thật may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể luyện tập hàng ngày để cải thiện tình yêu với bản thân theo thời gian.
3. Làm thế nào để tự yêu bản thân?
Có thể không dễ dàng khi mới bắt đầu nhưng qua thời gian, bạn sẽ cảm nhận được những lợi ích đáng kể với các chiến lược tăng cường tình yêu với bản thân đã được khoa học chứng minh ở dưới đây:
3.1 Hãy tự từ bi
Bạn có thể ý thức được những sai lầm của bản thân và hậu quả nghiêm trọng mà nó mang lại nhưng hãy ngưng chỉ trích và phán xét bản thân. Bởi như đã chia sẻ ở trên, hành động này chỉ cuốn bạn vào những suy nghĩ tiêu cực. Những suy nghĩ này cũng giống như chiếc băng bịt mắt, khiến bạn chìm trong đêm đen và không cho bạn thấy ánh sáng giải pháp.
Thay vì chỉ trích, hãy chấp nhận thực tại đổ vỡ, dành cho bản thân sự hiểu biết và lòng tốt. Theo Tiến sĩ Kristin Neff: “Bạn có thể cố gắng thay đổi theo cách giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, nhưng điều này được thực hiện bởi vì bạn quan tâm đến bản thân mình, chứ không phải vì bạn vô dụng hoặc không thể chấp nhận được hiện tại.”
3.2 Tránh độc thoại nội tâm tiêu cực
Trong cuốn sách Self Compassion: The Proven power of being kind to yourself của mình , Tiến sĩ Kristin Neff đặt câu hỏi:
“Bạn sử dụng kiểu ngôn ngữ nào với bản thân khi nhận thấy khuyết điểm hoặc mắc lỗi? Bạn có xúc phạm chính mình hay bạn có một giọng điệu tử tế và hiểu biết hơn? Nếu bạn là người có tính tự phê bình cao, điều đó khiến bạn cảm thấy như thế nào?”
Chú ý đến cách bạn nói chuyện với chính mình là bước quan trọng nhất để học cách nuôi dưỡng tình yêu bản thân.
Eric Fields và Gina R. Kuperberg, cả hai nhà nghiên cứu từ Khoa Tâm lý học tại Đại học Tufts cũng chia sẻ rằng:
“Những quan điểm tích cực về bản thân được cho là thành phần chính của chức năng tâm lý lành mạnh, ảnh hưởng đến lòng tự trọng, động lực và quyết tâm. Thật vậy, việc thiếu thiên hướng tích cực về bản thân (hoặc thậm chí là thiên hướng tiêu cực về bản thân) có thể góp phần gây ra rối loạn tâm trạng và lo âu.”
Sự khác biệt chính giữa thói quen và nghi thức là mức độ nhận thức và chủ ý của bạn. Nghi lễ là những thực hành có ý nghĩa với mục đích sâu xa. Khi thực hành nghi thức, bạn sẽ tập trung 100% vào trải nghiệm và cảm nhận bằng mọi giác quan thay vì chỉ dừng lại ở mức hoàn thành.
Áp dụng chánh niệm vào các thói quen hàng ngày cũng là một cách tuyệt vời để tạo ra các nghi thức cho chính bạn.
Tắm vòi hoa sen có thể trở thành một cơ hội để trở nên lưu tâm đến cơ thể và mối liên hệ của nó với tâm trí bạn. Hãy tập trung vào cảm giác của nước trên da và suy nghĩ của bạn dường như trôi chảy dễ dàng hơn theo dòng nước.
Nghiên cứu cho thấy rằng ăn uống chánh niệm thực sự có thể cải thiện hương vị món ăn của bạn, khiến bạn cảm thấy hài lòng hơn. Hãy chú ý đến kết cấu món ăn và cách bạn nhai.
Ngay cả việc dọn dẹp nhà cửa cũng có thể được sử dụng như một cách để nhận thức rõ hơn về các chuyển động của cơ thể và cảm giác ở các cơ và khớp của bạn.
Dù bận rộn đến đâu, bạn cũng hãy cố gắng dành thời gian cho các nghi thức chăm sóc bản thân, cho dù đó là tập thể dục, thiền định hay chỉ là chậm rãi thưởng thức một tách cà phê.
Bạn cũng có thể đưa việc thực hành lòng biết ơn bản thân vào nghi thức hàng ngày của mình.
“Tôi biết ơn bản thân đã duy trì việc tập thể dục mỗi ngày để có sức khỏe làm việc và chăm sóc bản thân, gia đình tốt hơn.”
“Tôi biết ơn bản thân đã nấu một bữa ăn thật thịnh soạn để gia đình mình có những giây phút vui vẻ.”
“Tôi biết ơn bản thân đã biết giữ bình tĩnh và kiềm chế đúng lúc để con không bị tổn thương.”
Việc thực hành lòng biết ơn thường xuyên sẽ dễ dàng điều hướng tinh thần của bạn trở lại trạng thái tích cực dù ngày hôm đó của bạn có “bão tố” đến đâu đi chăng nữa.
3.4 Đặt ranh giới lành mạnh
Thật mâu thuẫn và khó khăn để yêu bản thân khi những người xung quanh không thừa nhận giá trị của bạn, đổ lỗi hoặc thậm chí là miệt thị bạn.
Nếu không bảo vệ bản thân khỏi những lời nói độc hại này, bạn sẽ lún sâu vào bên trong và đến một lúc nào đó, bạn có thể sẽ đồng nhất bản thân với những gì mà họ ném vào mình.
Để tránh viễn cảnh tăm tối này, hãy đặt ra một ranh giới cho bản thân ngay từ đầu bằng cách bảo vệ thời gian và năng lượng của bạn.
Nếu đó là những người không quan trọng, bạn có thể lờ họ đi hoặc cắt đứt liên lạc.
Nếu đó là bạn bè, người thân, hãy giảm bớt thời gian bên cạnh họ và đảm bảo mình luôn có một không gian an toàn để phục hồi năng lượng.
Nhìn chung, hành trình học cách yêu bản thân là một hành trình dài và tương đối gian nan. Nó không chỉ đòi hỏi bạn phải dành thời gian tự ngồi lại với bản thân mà còn phải soi chiếu sâu sắc vào từng sự việc trong cuộc sống.
Mỗi ngày từng chút một nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy mình tiến xa.