Trong viết lách, mình vốn là người cầu toàn, nhưng không phải trong khâu biên tập mà là khâu lên ý tưởng. Mình gọi đây là cầu toàn không đúng chỗ.
Sự cầu toàn không đúng chỗ này khiến mình không biết bao nhiêu lần phải xóa đi viết lại vì cho rằng “Ý tưởng gì mà tệ quá, ý tưởng tầm thường thế này viết ra lại phí công”. Kết quả là mình ngồi đực mặt cả ngày với máy tính mà trước mặt mà bản word vẫn trắng xóa một cách trêu ngươi.
Ấy thế mà từ khi đọc được nhiều bài viết thú vị lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật, mình dường như đã ngộ ra chân lý về cách sống tỉnh thức, quan sát và chú tâm đến mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh.
Kỳ diệu thay, từ khi thay đổi cách nhìn, ý tưởng đến với mình ào ào như thác đổ, làm mình vừa phấn chấn say mê nhưng cũng không kém phần hốt hoảng vì chúng nhiều đến nỗi mình không kịp ghi chú lại.
Chẳng hạn, khi mới tập chạy bộ, quan sát sự nặng nề, ì ạch của cơ thể với những bước chạy đầu tiên, trong đầu mình nảy ra từ khóa “hành trình”. Mình nhận thấy hành trình chinh phục đường chạy cũng giống như hành trình chinh phục sự nghiệp viết lách. Kiệt sức, kiệt chí khi mới khởi đầu nhưng về sau, càng hành động thì bản thân lại càng kiên định tiến lên phía trước.
Hay như hôm qua, khi nằm thư giãn trên chiếc ghế gội đầu ở cửa hàng cắt tóc, mình vô tình ngước lên những bức ảnh người mẫu treo trên bức tường được dán bằng giấy dán tường rẻ tiền. Bất giác, mình nghĩ về “sự khởi đầu”. Từ khóa vừa hiện lên, ngay lập tức, não bộ liền bật công tắc, đưa mình nhớ về quán phở gần nhà kinh doanh 10 năm mới cho ra một vị phở đậm đà đưa miệng.
Tiếp tục, dòng liên tưởng lại đưa mình đến với câu chuyện về nhà văn Murakami. Khi còn là chủ quán bar, ông đã viết tác phẩm Lắng nghe gió hát trong khoảng thời gian 2-3 giờ sáng đến khi mệt nhoài vì buồn ngủ. Ông viết với tâm thế “Tôi quan tâm đến việc nó được hoàn tất chứ không bao giờ nghĩ rằng có cần ai biết đến hay không”.
Thì ra không cần một hiệu làm tóc to đẹp lung linh ở mặt phố đắt đỏ, không cần làm ra một vị phở điên đảo chúng sinh mới dám mở quán, cũng không cần đợi một thời điểm hoàn hảo mới viết nên cuốn sách đầu tay. Cứ như vậy, ý tưởng viết bài “Bài học về sự khởi đầu” đã được hình thành.
Nhìn lại toàn bộ quá trình, mình nhận ra những ý tưởng thú vị không chạy trốn đi đâu hết. Nó vẫn ở xung quanh, nấp sau những điều giản dị nhỏ bé và chờ đợi được chúng ta phát hiện.
Chỉ cần ta cứ bình tâm quan sát, ghi chép lại, cho nó một từ khóa và thản nhiên chờ đợi, để não bộ làm nốt việc kết nối như nhiệm vụ vốn dĩ của nó. Và rồi ý tưởng cứ tự nhiên thức tỉnh, chỉ cần ta tỉnh thức mà thôi.