Mình sẽ kể cho bạn nghe về nghịch lý đời mình. Một người chọn nghề viết nhưng không bao giờ có điểm văn quá 6.0. Suốt thời cấp 3, mình đã đếm từng ngày để được ra trường và nói lời “bye bye” mãi mãi với môn văn. Hàng chục bài thơ dài ngoằng đầy ám ảnh sẽ không bao giờ có cơ hội làm phiền mình nữa.
Hồi đi học, ghét văn là vậy nhưng mình lại không hề ghét viết. Bằng chứng là việc viết luôn xuất hiện đâu đó trong hành trình lớn lên của mình. Vậy đâu là những lý do khiến mình luôn muốn viết?
Viết lách để thỏa mãn trí tưởng tượng của bản thân

Suốt thời đi học, mình khá mộng mơ. Điều duy nhất thu hút mình ở tờ báo Hoa học trò là những mẩu truyện tình cảm của học sinh cấp 3. Thể loại phim ưa thích hồi đó của mình cũng là những bộ phim thần tượng của Đài Loan. Ở đó luôn có câu chuyện tình yêu của những cô gái trong sáng, thuần khiết và những chàng trai tinh tế, lãng mạn.
Mình hồi đó đương nhiên cũng có crush. Những gì mình đọc được trên báo, xem trên phim, những câu chuyện crush của bạn bè và cả bản thân mình… Tất cả trở thành nguyên liệu để mình ngồi sáng tác truyện tình yêu học sinh vào mỗi tối từ 9h-11h, khoảng thời gian mà lẽ ra mình phải dành để ôn thi đại học.
Hồi đó, phòng học của mình lại ở trên tầng cao nhất. Bố mẹ cũng không kiểm tra nhiều nên mình lại càng được thể tung hoành. Vứt xấp đề thi đau đầu sang một bên, mình tự do ngoáy bút viết hết những gì đang tưởng tượng trong đầu. Mình vừa viết vừa cười thích thú. Vậy đó. Thay vì phải làm đề và nhờ cô giáo chữa thì mình lại viết truyện và nhờ cô bé em gái đọc thử.
Rồi năm đó, mình trượt nguyện vọng 1. Cảm giác buồn cũng nhanh chóng trôi qua. Bởi lúc đó, mình còn đang không biết bản thân muốn gì. Chỉ là không được trường nọ thì chuyển sang trường kia, miễn sao có trường để đi học.
Sau đó khi lên đại học, mình không còn quá khép kín như hồi cấp 3. Mình kết thân với một nhóm bạn. Chúng mình dành hầu hết thời gian để trải nghiệm quãng thời gian sinh viên tự do. Vì vậy, thời gian này mình gần như không viết.
Viết để giải tỏa, chữa lành cảm xúc
Có lẽ đây là lý do chính cho việc viết lách của mình. Đối với mình, viết lách giống như chữa lành. Khi mình bị sứt sẹo ở đâu đó trong tâm hồn, viết giúp mình kiên trì vượt qua những ngày khó khăn một cách dễ dàng hơn.
Có người nói rằng “Nếu buồn thì cứ viết nó ra”. Đã có những lúc, mình cho rằng chuyện đó hết sức nực cười. Bởi theo lý tính mà nói, suy nghĩ của mình, dù nó ở trong đầu hay là được viết ra trên giấy, suy cho cùng, cũng chỉ có mình đọc và mình biết. Nếu không có ai đó để chia sẻ thì hà cớ gì mình phải tốn thời gian cho việc viết đó, chẳng được lợi gì mà còn phải nhìn lại nỗi buồn đó thêm lần nữa.
Nhưng rồi sau vài lần thất tình, không muốn tốn thời gian cho những việc toxic như uống rượu hay bỏ học, mình chọn viết để giải tỏa. Mình phát hiện, hoá ra việc viết nhật ký cũng khá tuyệt. Mình có thể thủ thỉ, than thở, khóc lóc, gào thét qua những trang giấy. Mình thấy nhẹ lòng hơn. Bạn bè cũng không cần nghe mình lải nhải tâm sự chuyện buồn mỗi ngày. Hoá ra, việc viết không phải là khiến bản thân cô đơn hơn, mà là trò chuyện với 1 người bạn đặc biệt khác, chính là bản thân mình.
Việc viết ra giúp mình có thể bình tâm hơn, nhìn nhận lại bản thân đang mong muốn điều gì. Thậm chí, ngay cả khi muốn đặt bút viết ra những từ tiêu cực, mình cũng bất chợt dừng lại tự hỏi “Liệu mọi chuyện có tệ đến mức như từ mình đang định viết không?”. Và rồi, mình lại tìm cách diễn đạt khác nhẹ nhàng hơn. Điều kỳ diệu là nỗi buồn cũng đi theo những con chữ và tự biến mất theo thời gian.
Viết lách là một cách tốt giúp bạn chữa lành tổn thương. Giống như việc bạn ra spa để hút chì thải độc cho da, viết lách cũng giúp bộ não đào thải khỏi những suy nghĩ độc hại đã tích tụ lâu ngày vậy.
Viết để cải thiện tư duy logic
Viết ra những gì mình đang nghĩ là điều rất đơn giản. Bạn chỉ cần copy mọi thứ trong đầu ra thành văn bản thôi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sắp xếp những gạch đầu dòng trong đầu thành một thứ tự hoàn chỉnh, biến nó thành một bài viết có chủ đề và khiến cho tất cả mọi người hiểu được ý tưởng của bạn thì sẽ khó hơn một chút đấy. Thậm chí, nó còn khiến bạn phải dành ra rất nhiều thời gian để luyện tập là đằng khác.
Mình trước đây vốn là một người viết rất cảm tính, nghĩ gì viết đó. Thời còn đi học, mình không tin lắm vào việc lập dàn ý vì nghĩ nó phiền phức và tốn thời gian. Kết quả là khi làm bài, viết xong ý ở trong đầu là mình cũng hết chữ luôn. Mình lại phải tiếp tục nghĩ xem bước tiếp theo mình nên viết gì. Nhìn lại tổng thể thì bài viết của mình là một mớ hỗn độn mà bản thân mình sau khi viết xong cũng không bao giờ muốn đọc lại.
Sau này, khi cần học thêm một số lĩnh vực, mình hay có thói quen đọc blog chia sẻ của những người trong ngành. Thái độ về việc viết đối với mình cũng có nhiều thay đổi.
Mình phát hiện ra, viết cũng có rất nhiều phong cách và nhiều giọng văn khác nhau. Có người thích viết kiểu khoa học, rõ ràng, có người thích hài hước, tưng tửng, có người lại bay bổng, mộng mơ. Nhưng dù là phong cách nào thì xuyên suốt những bài viết vừa bổ ích vừa dễ đọc, dễ hiểu, luôn có một bố cục rất rõ ràng và mạch lạc.
Khi người viết có một bố cục logic, họ sẽ khiến độc giả cảm thấy mình thông minh hơn sau khi đọc bài viết của họ. Không chỉ vậy, việc có sẵn bố cục từ đầu (nhất là ở các bài blog) còn giúp người đọc tiết kiệm thời gian để tìm đọc chính xác vấn đề mà họ quan tâm. Hãy để một đứa trẻ lớp 7 cũng có thể đọc hiểu bài viết của bạn.
Làm nghề viết kiếm tiền

Cách đây 2,3 năm, mình cho rằng viết để kiếm tiền chỉ dành cho những nhà văn. Mà với khả năng làm bài thi văn không bao giờ sang tờ giấy thứ 2 thì việc trở thành nhà văn là điều mà mình không bao giờ nghĩ tới.
Bên cạnh đó, mình thường nghe nói rằng những nhà văn, nhà thơ không có thu nhập cao. Vì vậy, trong đầu mình luôn có định kiến rằng viết lách chỉ là sở thích, chứ không thể nào dựa vào đó để kiếm sống.
Đến khi quyết định làm marketing dù học trái ngành, mình mới thấy việc viết thật ra cũng muôn màu muôn vẻ lắm. Mình có thể viết bài cho web, cho fanpage của công ty và có lương cứng hàng tháng từ 7-12 triệu tuỳ khả năng. Mình cũng có thể làm cộng tác viên để viết cho một số tờ báo với mức nhuận bút 300-500K/bài. Hoặc mình cũng có thể tự viết blog về chủ đề mình yêu thích và kiếm tiền từ blog cá nhân.
Có một số bạn khi tham gia các cộng đồng thuê viết 40K,50K đã vội nghĩ rằng nghề viết bị rẻ mạt. Mình nghĩ lý do chủ yếu là do các bạn tìm hiểu chưa đủ sâu. Sự thật là có những người chỉ ở nhà viết lách vẫn có thu nhập gấp 2, gấp 3 so với các bạn đang làm inhouse cho một công ty.
Tuy nhiên, thu nhập cao cũng phải đi đôi với khả năng và bản lĩnh. Kiếm tiền bằng nghề viết tự do không hề đơn giản. Bạn sẽ cần đối mặt với một vài việc như:
- Những bài viết đầu tiên bị khách hàng chê dở
- Khách hàng bùng tiền
- Vấn đề giao tiếp với team inhouse của công ty mà bạn đang làm freelance
- Quản lý thời gian thế nào để không bị “cháy” deadline
Khi làm việc tự do, bạn có thể làm ở nhà (hoặc bất cứ đâu bạn muốn), không cần phải đến và tuân theo quy định của một công ty nào. Vì chính bạn mới là người đưa ra quy định cho bản thân và buộc mình phải tuân theo. Điều này là bắt buộc nếu bạn muốn nghiêm túc kiếm sống bằng nghề viết.
Trên thực tế, nếu theo dõi một số freelance writer thành công, bạn sẽ thấy những quy định mà họ đặt ra cho bản thân thậm chí còn khắt khe hơn khi làm việc ở công ty rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu kỹ năng và tốc độ làm việc của bạn được cải thiện, bạn có thể chỉ cần làm việc 3-5 ngày/tuần, mỗi ngày 5-6 tiếng. Thời gian còn lại, bạn có thể đọc sách phát triển bản thân, du lịch hoặc chăm sóc gia đình. Mọi thứ hoàn toàn là do bạn thu xếp. Và mình đang hướng đến một cuộc sống như vậy.
Câu hỏi đặt ra là: cuộc sống nghe có vẻ thoải mái như vậy thì thu nhập thế nào? Viết tự do thì thu nhập có cao không? Câu trả lời là không giới hạn. Song song với viết lách, bạn càng biết thêm nhiều kỹ năng bổ trợ, bạn càng kiếm được nhiều tiền. Bạn có thể kiếm được 20 – 30 triệu/tháng hoặc hơn. Những người viết tự do thành công mà mình biết, họ thậm chí có thể kiếm được gấp 4, gấp 5 lần con số 30 triệu mỗi tháng.
Viết để định hướng cho bản thân và giúp ích cho mọi người
Đây là mục tiêu dài hạn mà mình đang theo đuổi. Mình nghĩ rằng bất cứ ai cũng sẽ có một vài chủ đề mà họ đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc chia sẻ cho cộng đồng sẽ giúp mình thu hút những người cùng quan tâm đến những chủ đề đó.
Bản chất của viết lách là thu thập, tổng hợp thông tin, liên tưởng ở nhiều khía cạnh. Vậy nên, càng có nhiều người cho mình ý kiến đóng góp, mình sẽ càng có nhiều tư liệu viết mới mẻ. Ngòi bút của mình, qua thời gian cũng sẽ tinh tế và sắc bén hơn.
Bên cạnh đó, có khá nhiều chủ đề ở Việt Nam khiến cho mọi người tranh cãi nhau. Ví dụ như vấn đề giáo dục và chăm sóc trẻ. Chúng ta nên cho trẻ ăn dặm như thế nào? Hay có nên cho trẻ học ngoại ngữ từ sớm?
Thật tuyệt khi mình thông qua viết lách để chia sẻ kiến thức có ích cho mọi người. Viết để bản thân mình hiểu biết hơn và giúp mọi người hiểu biết hơn là một cảm giác rất kỳ diệu.
Đó là một số lý do khiến mình thích viết và quyết định gắn bó với nghề viết. Còn bạn thì sao, bạn có thích viết không?