Điều gì xảy ra khi bạn trót bấm vào một trang bán hàng (landing page) được viết dưới dạng storytelling?
Đầu tiên, bạn bị thu hút vào lời kể hấp dẫn. Não bộ của bạn trong vô thức vẽ ra những khung cảnh, nhân vật được mô tả trong câu chuyện.
Bạn đọc nhập tâm đến quên cả thời gian, thậm chí cùng khóc cùng cười với những tình huống, bởi “Sao giống như đang kể chuyện của mình vậy?”
Rồi cú chốt, khi sản phẩm và những lời phản hồi xuất hiện, bạn không ngừng cảm thán vì sự kỳ diệu của nó.
Bạn bắt đầu mơ tưởng về cuộc sống tốt đẹp của mình trong tương lai khi sản phẩm đã giải quyết sạch sành sanh những nỗi đau và tâm tư ẩn giấu.
Không đắn đo gì nữa, bạn quyết định điền thông tin và bấm nút “Đăng ký” mua sản phẩm.
Đây chính là diễn biến sơ lược trong hành trình tâm lý của khách hàng khi đọc một trang landing page được viết dưới dạng kể chuyện (storytelling).
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra những câu chuyện hút hồn và hút cả… ví tiền của khách hàng như vậy?
Mình sẽ giúp bạn làm sáng tỏ điều này trong bài viết dưới đây.
Storytelling là gì? Các loại kịch bản storytelling thường gặp
Storytelling (nghệ thuật kể chuyện) là gì?
Đối với nhà văn, kể chuyện là quá trình dệt ngôn ngữ thành một câu chuyện cụ thể, với mục đích tái hiện lại thế giới trong mắt nhà văn và chia sẻ với độc giả.
Còn đối với người kể chuyện để bán hàng, mục tiêu của họ sẽ đi xa hơn nhà văn một bước. Thế giới mà họ cất công thêu dệt trong tâm trí người đọc cần có sự kết nối chặt chẽ đến sản phẩm.
Để rồi sau cùng, thứ tồn tại duy nhất trong tâm trí người đọc sẽ là sản phẩm – thứ giải quyết nỗi đau và đem tới cuộc đời tươi sáng cho họ. Còn câu chuyện, dù hấp dẫn và quan trọng đến mấy thì vai trò của nó cũng là bắc cầu mà thôi.
Có 5 loại kịch bản storytelling thường gặp sau đây:
Từ tồi tệ đến thành công
Dạng kịch bản này rất phổ biến trong các landing page bán hàng cho những sản phẩm như khóa học, sản phẩm chăm sóc cá nhân…
Video tham khảo cho kịch bản từ tồi tệ đến thành công: Link
Nó cho người đọc nhận ra 2 hình ảnh hoàn toàn khác biệt của nhân vật trước và sau khi sử dụng sản phẩm, từ đó gieo “hạt mầm” trong người đọc một khao khát sở hữu sản phẩm mãnh liệt để giải quyết những vấn đề tương tự.
Nội dung của dạng kịch bản này thường bao gồm một số ý chính như:
- Ngày trước tôi đã gặp khó khăn gì?
- Nó khiến cuộc sống của tôi tồi tệ ra sao?
- Trước khi đến với giải pháp này, tôi đã thử những giải pháp nào nhưng không thực sự hiệu quả?
- Sau khi đến với sản phẩm/ giải pháp này thì con người/ vẻ đẹp/ cuộc sống của tôi thay đổi ra sao, thành công thế nào?
Vượt qua quái vật
Với loại kịch bản này, có thể hiểu đơn giản đây là hành trình vượt qua một nỗi sợ hãi, một thử thách to lớn, bước ra khỏi vùng an toàn mà bản thân chưa bao giờ tưởng tượng hoặc nghĩ rằng có thể vượt qua.
Song song với việc vượt qua thử thách này là luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của sản phẩm/ dịch vụ.
Chẳng hạn, một khóa học tiếng Anh có người đồng hành 1:1, một khóa life coach giúp vượt qua những rào cản trong cuộc sống, một sản phẩm hỗ trợ sức khỏe luôn có người tư vấn đồng hành miễn phí.
Đây là một kịch bản kể chuyện khéo léo bởi nó không chỉ đề cập tới hiệu quả của sản phẩm mà thông qua câu chuyện, người đọc còn hình dung ra quá trình trải nghiệm dịch vụ và dành tình cảm cho thương hiệu nhờ sự tận tâm.
Bạn tham khảo mẫu quảng cáo này của Engbreaking về dạng kịch bản vượt qua quái vật.
Hành trình của người hùng
Loại kịch bản này có thể coi như phiên bản nâng cấp của kịch bản Vượt qua quái vật.
Nó diễn ra như thế này: Nhân vật anh hùng đối mặt với vô vàn khó khăn và thử thách. Họ phải mạo hiểm và dấn thân đi vào những nơi không xác định, thử nhiều phương án, trải qua hàng loạt thất bại rồi mới tiến đến thành công.
Để đạt được mục tiêu này, nhân vật người anh hùng cần thể hiện lòng dũng cảm, tính kiên trì và không chịu gục ngã. Họ vượt qua mọi nỗi sợ và cuối cùng cũng đạt được thắng lợi dù vô số lần bị thử thách quật ngã.
Dạng kịch bản này phù hợp để PR cho dự án hoặc thương hiệu cá nhân bởi xuyên suốt hành trình, nó cung cấp đầy đủ thông tin về cuộc đời, tính cách, phương châm sống… của nhân vật anh hùng trong câu chuyện, từ đó ngầm khẳng định đây là một người/ thương hiệu tốt. Và dịch vụ của họ xứng đáng để bạn lựa chọn.
Bạn tham khảo My story của một Lifecoach được viết theo kịch bản hành trình của người hùng tại đây: https://coachngocdiem.com/my-story/
Chinh phục
Dạng kịch bản này thiên về suy luận, định hướng và giúp câu chuyện trở nên kịch tính hơn bao giờ hết.
Những nội dung chính trong dạng kịch bản này sẽ bao gồm:
- Xây dựng các thông tin nền tảng, thông tin về nhân vật
- Một mục tiêu xuất hiện và gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người
- Bắt đầu hành trình với nhiều trở ngại và tìm cách vượt qua
- Mâu thuẫn nội bộ xảy ra và cách vượt qua
- Thử thách cuối cùng xuất hiện và hoàn thành nó
- Giành lấy phần thưởng và kết thúc.
Bạn có thể thấy dạng kịch bản này trong các chiến dịch quảng cáo như:
- Thử thách rửa vài chục ngàn chén đĩa chỉ với 1 chai nước rửa chén X
- Thử thách giặt sạch vài ngàn chiếc áo quần chỉ với 1 nắp nước giặt Y
Dưới đây là video thử thách của nhãn hàng Sunlight được thực hiện năm 2008: Link
Hoài niệm – chân lý
Dạng kịch bản này thường xuất hiện trong những tự sự về bản thân và hoài niệm về cuộc đời.
Kịch bản này không khó để triển khai vì những tình tiết trong câu chuyện thường có thật và cũng chính là câu chuyện cuộc sống của nhân vật chính.
Khi ứng dụng cho sản phẩm/ thương hiệu, đây có thể là lời kể của chủ doanh nghiệp, chủ thương hiệu về những khó khăn đã qua, những đau thương đã nếm trải và những quả ngọt đã gặt hái được. Từ đó đúc kết nên những bài học chân lý về kinh doanh, làm sản phẩm, chăm sóc khách hàng…
Với dạng kịch bản này, nhân vật chính càng thành công thì câu chuyện càng có sức ảnh hưởng.

Lợi thế của một landing page khi ứng dụng kỹ thuật storytelling
Truyền tải điểm nổi bật của thương hiệu
Storytelling là phương thức dễ dàng và khéo léo nhất để truyền tải đầy đủ những yếu tố nổi bật của thương hiệu.
Người kể chuyện thậm chí chẳng cần khoe mẽ rằng sản phẩm của tôi tốt, dịch vụ của tôi hay. Người đọc sẽ tự hiểu được điều đó thông qua những thử thách, băn khoăn, trăn trở mà người làm sản phẩm đã trải qua và cách họ đứng lên từ khó khăn và tạo dựng một sản phẩm đáng tự hào.
Đưa thương hiệu của bạn lên vị trí hàng đầu
Một câu chuyện hấp dẫn sẽ giúp người đọc dễ dàng hình dung về tính cách và hướng đi của thương hiệu. Hãy tận dụng điểm này, đưa vào câu chuyện những giá trị sâu sắc, những điểm khác biệt giúp thương hiệu không thể bị nhầm lẫn, từ đó lấy được sự tin tưởng của khách hàng tiềm năng.
Chạm đến tâm lý khách hàng
Dựa trên trải nghiệm cá nhân, chúng ta đều biết những câu chuyện sẽ tác động đến bộ não và cảm xúc của mình một cách sâu sắc.
Chúng có thể khiến chúng ta sởn gai ốc, nổi da gà, tim đập thình thịch theo từng tình tiết gay cấn hoặc vô thức chảy nước mắt khi bắt gặp những tình huống xúc động.
Vậy theo góc nhìn bao quát từ khoa học thì sao?
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí NeuroImage năm 2006, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã tiết lộ rằng não người tạo ra một phản ứng sinh lý phức tạp đối với các loại ngôn ngữ mô tả được sử dụng trong các câu chuyện.
Chúng ta không chỉ hiểu câu chuyện bằng cách sử dụng các vùng xử lý ngôn ngữ; mà còn thực sự cảm nhận thông qua thính giác, khứu giác, thị giác và vỏ não vận động.
Một nghiên cứu khác ở Đức đã chứng minh khi những người tham gia đọc những đoạn hấp dẫn từ Harry Potter – đặc biệt là những phần đáng sợ hoặc hồi hộp, các khu vực trong não của họ chịu trách nhiệm về sự đồng cảm đã được kích hoạt.
Với tư cách là một nhà tiếp thị, chúng ta học được gì từ thông tin này?
Bộ não của chúng ta phát triển để đồng cảm, ghi nhớ và đưa ra quyết định khi nghe một câu chuyện. Và về mặt thần kinh học, nó sẽ không thể chống lại sức thuyết phục của một câu chuyện hấp dẫn.
Nhà thần kinh học Paul Zak của Berkley cũng từng chia sẻ về mối quan hệ giữa cách kể chuyện tường thuật và sức mạnh của sự đồng cảm do oxytocin gây ra.
Khi những người tham gia xem một phim có cốt truyện xúc động, mức oxytocin của họ cao hơn và họ có nhiều khả năng đưa tiền cho một người lạ. Ngược lại, khi họ xem một bộ phim thiếu cốt truyện hấp dẫn, mức oxytocin thấp hơn nhiều và họ luôn giữ tiền trong túi.
Tuy nhiên, dù có tạo ra một cốt truyện hay ho như thế nào cho trang bán hàng, bạn cũng cần ghi nhớ:
Storytelling sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi nó kể về những câu chuyện có thật, hay ít nhất là dựa trên các sự kiện có thật. Như thế, bạn mới khơi dậy được cảm xúc ở khách hàng.
Max Tsypliaev, CEO của Comindware từng nói: “Đừng ‘bịa chuyện’ khi ‘kể chuyện’, và đừng nói rằng câu chuyện của bạn là thật khi tất cả đều biết nó là giả”.
Níu giữ và tạo niềm tin ở khách hàng
Một landing page tốt = Khả năng níu giữ khách hàng + Thông tin sản phẩm hấp dẫn + Lời kêu gọi hành động hiệu quả
Trước khi đến với thông tin sản phẩm, phải làm sao để níu chân khách hàng? Hãy giao nhiệm vụ đó cho storytelling.
Đã đọc tới thông tin sản phẩm nhưng không biết sản phẩm này có gì khác biệt hoặc hấp dẫn? Bạn cũng giao cho storytelling.
Hiểu rõ điểm tốt của sản phẩm nhưng khách vẫn có lý do từ chối? Hãy để storytelling kể lại câu chuyện thực tế từ khách hàng đã sử dụng sản phẩm.
Thay vì tấn công khách hàng bằng những bảng biểu khô khan khiến họ chóng mặt, hãy tận dụng storytelling để giúp họ tập trung vào những con số mấu chốt thể hiện hiệu quả của sản phẩm/ dịch vụ. Đừng bắt họ phải tự hiểu, hãy bày sẵn cho họ thấy.
Cách ứng dụng storytelling vào landing page
Để ứng dụng storytelling vào landing page, chúng ta cần hiểu 2 vấn đề chính:
- Những yếu tố cần thiết để làm nên một câu chuyện
- Các bước cần tiến hành khi viết một landing page dạng storytelling
7 yếu tố cần thiết để làm nên một câu chuyện
1. Cốt truyện
Cốt truyện là bộ xương của kể chuyện. Bạn có thể sở hữu một giọng văn hấp dẫn với các nhân vật thú vị, nhưng nếu không có dòng sự kiện hợp lý, câu chuyện của bạn sẽ khiến người đọc bối rối và thiếu tính thuyết phục.
2. Nhân vật
Điều quan trọng không kém đối với storytelling là các nhân vật trong câu chuyện của bạn. Mọi sự kiện diễn ra trong câu chuyện đều được xác định bởi suy nghĩ, cảm xúc và hành động của nhân vật. Hơn nữa, opản ứng của các nhân vật đối với xung đột mới làm nên một câu chuyện đáng đọc.
3. Ngôi kể
Ngôi kể xác định ai đang giao tiếp với người đọc. Những gì họ nhìn thấy và kể lại được đưa ra từ góc nhìn nào. Ngôi kể sẽ ảnh hưởng nhất định đến cách kể câu chuyện và thông tin mà người đọc tiếp cận.
4. Bối cảnh
Về cơ bản, bối cảnh là nơi câu chuyện của bạn diễn ra.
Các nhân vật của bạn, theo cách này hay cách khác, sẽ được xác định bởi bối cảnh xuất thân của họ.
Hiểu một cách đơn giản, một đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn sẽ khá quen thuộc với lối sống tiết kiệm, chắt chiu, trái ngược hoàn toàn với những đứa trẻ quen sống đầy đủ từ nhỏ.
Bên cạnh đó, bối cảnh cũng ảnh hưởng đến cách các nhân vật đối thoại và hành động với nhau.
Một cuộc tranh cãi tại nhà riêng có thể sẽ gay gắt hơn một cuộc tranh cãi trong nhà hàng; một cuộc chiến tay đôi trong quán nhậu cũng thường khốc liệt hơn một cuộc chiến tay đôi trong văn phòng.
5. Phong cách kể chuyện
Văn phong (phong cách kể chuyện) thể hiện ở cấp độ chi tiết và cấp độ toàn cảnh.
Ở cấp độ chi tiết, văn phong bị ảnh hưởng bởi cách dùng từ, ngữ pháp, cấu trúc câu, độ dài câu và các chi tiết mà tác giả quan sát được.
Ở cấp độ toàn cảnh, văn phong bị ảnh hưởng bởi nhịp độ của câu chuyện, cách câu chuyện trình bày thông tin, độ dài của các tình tiết…
6. Sự xung đột
Câu chuyện nào cũng có xung đột. Xung đột thậm chí còn được coi là mạch máu của cách kể chuyện. Không có nó, các nhân vật của bạn sẽ không trải qua bất kỳ sự trưởng thành nào hoặc kết thúc bất kỳ cuộc hành trình nào. Và tất nhiên, không có xung đột cũng làm câu chuyện thiếu hấp dẫn.
Có nhiều cách thể hiện sự xung đột, ví dụ:
- Nhân vật chính muốn một cái gì đó, nhưng phải vượt qua những trở ngại nhất định để có được nó
- Hoặc họ muốn một cái gì đó, nhưng một kẻ phản diện cản đường
- Nhân vật chính tìm kiếm một cuộc sống của riêng họ, nhưng không biết làm thế nào để xây dựng một cuộc sống.
7. Chủ đề
Chủ đề mô tả những ý tưởng trung tâm mà câu chuyện đề cập và khám phá.
Bạn có thể hiểu theo cách đơn giản hơn, chủ đề sẽ giúp người đọc trả lời câu hỏi: Câu chuyện này nói về cái gì?
Chẳng hạn như Romeo & Juliet xoay quanh các chủ đề về tình yêu, số phận, gia đình. Nếu nhu cầu của nhân vật chính bị đe dọa vì chính phủ, chủ đề có thể là “công lý” hoặc “quyền lực và tham nhũng”. Hoặc nếu nhu cầu của nhân vật chính không được đáp ứng vì họ vừa sống sót sau ngày tận thế, chủ đề có thể là “môi trường” hoặc “con người với thiên nhiên”.
6 bước viết một landing page dạng storytelling
1. Hiểu rõ độc giả (khách hàng) của bạn
- Ai sẽ là người muốn nghe câu chuyện của bạn?
- Họ được lợi gì khi đọc xong câu chuyện của bạn?
- Những yếu tố nào có thể khiến họ phản hồi nhiệt tình?
Trước khi viết, bạn hãy nghiên cứu kỹ thị trường mục tiêu và thiết lập một bản chân dung khách hàng tiềm năng để có hướng tiếp cận hợp lý.
Quá trình này sẽ giúp bạn hiểu rõ những người có thể đang đọc, xem hoặc nghe câu chuyện của bạn. Nó cũng cung cấp định hướng quan trọng cho một vài bước tiếp theo khi bạn xây dựng nền tảng cho câu chuyện.
2. Xác định thông điệp cốt lõi của bạn
Cho dù câu chuyện của bạn dài một trang hay mười trang, nó phải có một thông điệp cốt lõi. Giống như phần móng của một ngôi nhà, bạn cần xác định một thông điệp đủ vững chắc, sau đó mới phát triển các tình tiết tiếp theo.
Để giúp xác định điều này, hãy cố gắng tóm tắt câu chuyện của bạn trong sáu đến mười từ. Nếu bạn không được làm điều đó, bạn không có thông điệp cốt lõi.
3. Quyết định loại câu chuyện bạn đang kể
Không phải tất cả câu chuyện đều được tạo theo một cách giống nhau. Để xác định loại câu chuyện bạn đang kể, hãy đặt câu hỏi: Bạn muốn để lại cho khán giả những cảm xúc gì sau khi đọc câu chuyện?
*Nếu mục tiêu của bạn là kêu gọi hành động:
Câu chuyện nên mô tả cách một hành động đem lại kết quả thành công trong quá khứ và hướng dẫn người đọc thực hiện hành động đó để có kết quả tương tự. Bạn tránh viết phóng đại hoặc thay đổi chủ đề, để khán giả tập trung vào hành động hoặc kết quả mà câu chuyện đang thúc đẩy.
*Nếu bạn muốn kể cho mọi người nghe về thương hiệu/ doanh nghiệp:
Hãy kể câu chuyện của thương hiệu/ doanh nghiệp về những cuộc đấu tranh, thất bại và chiến thắng chân thực, đầy tính nhân văn. Người tiêu dùng ngày nay đánh giá cao và kết nối với các thương hiệu tiếp thị bằng tính xác thực, và cách kể chuyện cũng không ngoại lệ.
*Nếu bạn muốn truyền tải các giá trị:
Hãy kể một câu chuyện đi sâu vào cảm xúc, nhân vật và tình huống quen thuộc để người đọc có thể hiểu câu chuyện áp dụng vào cuộc sống của chính họ như thế nào. Điều này đặc biệt quan trọng khi câu chuyện muốn nói về các giá trị mà một số người có thể không đồng ý hoặc không hiểu.
*Nếu bạn muốn thúc đẩy cộng đồng hoặc sự hợp tác:
Hãy kể một câu chuyện khiến người đọc phải thảo luận và chia sẻ câu chuyện của bạn với những người khác. Bạn sử dụng một tình huống hoặc trải nghiệm quen thuộc với người đọc đến mức họ phải thốt lên, “Tôi cũng vậy!” Lưu ý là bạn hãy giữ các tình huống và nhân vật ở thế trung lập để thu hút nhiều đối tượng độc giả hơn.
*Nếu bạn muốn truyền đạt kiến thức hoặc giáo dục:
Hãy kể một câu chuyện có trải nghiệm thử-và-sai, để người đọc có thể tìm hiểu về một vấn đề và cách phát hiện giải pháp và áp dụng nó như thế nào.
4. Thiết lập lời kêu gọi hành động
Lời kêu gọi hành động (CTA) sẽ thiết lập hành động mà bạn muốn độc giả của mình thực hiện sau khi đọc.
Chính xác thì bạn muốn người đọc của mình làm gì sau khi đọc xong? Để lại thông tin liên lạc, đăng ký nhận bản tin, tham gia một khóa học hay mua sản phẩm?
Hãy xác định điều này cùng với mục tiêu của bạn để đảm bảo chúng sẽ đi cùng nhau một cách hợp lý.
Ví dụ: nếu mục tiêu của bạn là lan tỏa nội dung thật rộng rãi, CTA của bạn có thể là “Nhấn vào nút chia sẻ bên dưới”.
5. Viết
Bây giờ đã đến lúc bạn đặt bút lên giấy và bắt đầu sáng tạo nên câu chuyện. Với thông điệp cốt lõi, mục tiêu đối tượng và lời kêu gọi hành động của bạn đã được thiết lập, bước này chỉ đơn giản là thêm chi tiết và sự tinh tế đầy sáng tạo vào câu chuyện.
6. Chia sẻ landing page
Đừng quên chia sẻ và quảng bá landing page của bạn!
Giống như với mọi chiến dịch sáng tạo nội dung thành công, việc tạo ra nó chỉ là một nửa của trận chiến – chia sẻ chính là phần còn lại.
Hãy chia sẻ landing page trên các nền tảng mà khách hàng tiềm năng đang xuất hiện.
Bạn càng chia sẻ ở nhiều nơi, bạn càng có nhiều cơ hội nhận được tương tác từ độc giả.
Lưu ý khi viết landing page với kỹ thuật storytelling
Để có một câu chuyện hấp dẫn, cốt truyện hay chưa đủ, bạn cần trau chuốt cho từng câu chữ của mình, cả về từ vựng và biện pháp tu từ để gia tăng hiệu quả.
Một số biện pháp tu từ thường dùng trong khi viết landing page dạng storytelling
So sánh
Sử dụng biện pháp so sánh sẽ giúp tăng sức gợi hình, gợi cảm, khiến người đọc nhanh chóng chìm đắm vào câu chuyện.
Ví dụ trích trong landing page cho khóa học ăn dặm:

Biện pháp so sánh giúp các mẹ hồi tưởng hoặc liên hệ tới hiện tại, khi thường xuyên bị so sánh với những “mẹ nhà người ta” nuôi con tốt, chăm con giỏi.
Tương phản
Tương phản là cách sử dụng từ ngữ trái ngược nhau để gia tăng hiệu quả diễn đạt.
Ví dụ đây là phần Attention cho một landing page của khóa học giúp trẻ Sống ước mơ và khát vọng:

Việc sử dụng biện pháp tương phản giúp phụ huynh dễ dàng hình dung và trở nên khao khát hình ảnh lột xác của con mình trong tương lai. Nhờ đó, họ sẽ thấy tò mò và bị khóa học hấp dẫn.
Liệt kê
Có thể nói đây là cách tấn công hàng loạt bằng câu từ để diễn tả đối tượng trong câu chuyện một cách đầy đủ và sâu sắc.
Ví dụ đoạn mô tả những tình huống khó khăn của người bệnh tiểu đường:

Nói quá
Cách nói phóng đại này sẽ giúp nhấn mạnh và tạo ấn tượng sâu sắc cho đối tượng mà câu chuyện đề cập tới.
Ví dụ dưới đây là một phần trong mẫu landing page cho thực phẩm chức năng hỗ trợ người bị tiểu đường:

Biện pháp nói quá khiến khách hàng ngay lập tức liên hệ tới tình trạng ăn uống khó khăn của họ hoặc người thân họ, và xây dựng sự đồng cảm với nhân vật chính trong câu chuyện.
Và còn rất nhiều biện pháp khác nữa, bạn có thể linh hoạt sử dụng cho phù hợp với câu chuyện và nhân vật của mình.
Cuối cùng, sau tất cả gợi ý ở trên, nếu như bạn vẫn cảm thấy mông lung về cấu trúc viết landing page, bạn có thể áp dụng theo cách mà tôi gợi ý dưới đây.
Cấu trúc viết landing page tôi thường áp dụng
Về cơ bản, khi viết landing page dạng storytelling, tôi thường ứng dụng linh hoạt nhiều loại kịch bản khác nhau để phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, thông dụng nhất, tôi thường bám theo 1 trong 3 kịch bản đầu tiên cùng cấu trúc AIDA để triển khai, cụ thể như sau:
A: Attention – kêu gọi chú ý
- Kêu đúng tên + vấn đề của độc giả
- Nêu tên khóa học/ giải pháp/ sản phẩm/ dịch vụ
- Nêu lợi ích 1
- Nêu lợi ích 2
- Hình ảnh sản phẩm/ video sản phẩm
- Tóm tắt nội dung khóa học/ sản Phẩm/ dịch Vụ
- Nút kêu gọi hành động
Khơi gợi nỗi đau của khách hàng thông qua kỹ thuật so sánh, kể chuyện hoặc nói về giấc mơ của khách hàng.
+ Nêu nỗi đau 1:
- Hậu quả 1
- Hậu quả 2
+ Nêu Nỗi đau 2
- Hậu quả 1
- Hậu quả 2
+ Nêu nỗi đau 3
- Hậu quả 1
- Hậu quả 2
D: Desire – xây dựng ham muốn
- Giới thiệu sản phẩm/ giải pháp/ khóa học/ dịch vụ
- Nêu tính năng – lợi ích của sản phẩm
- Đưa chứng thực khách hàng
- Đưa thêm bonus
- Chỉ ra những rào cản của khách hàng và bác bỏ chúng
- Có giảm giá trong khung thời gian giới hạn
A: Call to Action – kêu gọi hành động
- Đảm bảo chất lượng/ chương trình hoàn tiền (nếu có)
- Tổng kết
- Nói về thời gian hữu hạn/ số lượng có hạn
- Nút hành động và kêu gọi cụ thể
- Thêm chứng thực khách hàng
- Các câu hỏi thường gặp
P/s: Thêm bonus, kêu gọi hành động.
Một số landing page tôi đã triển khai theo cấu trúc này:
- Viên sủi tiểu đường Satochi
- Khóa học ăn dặm đúng cách cho trẻ 6-12 tháng tuổi
- Khóa học nghệ thuật phòng the
Trên đây là tất cả những gì mình đã tổng hợp và trải nghiệm trong việc viết landing page bằng kỹ thuật storytelling. Hi vọng những chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho công việc tiếp thị sản phẩm/ dịch vụ của bạn.
Điều cuối mà mình muốn nhắn nhủ đến bạn, đó là hãy chịu khó gặp gỡ và phỏng vấn khách hàng tiềm năng. Họ mới chính là người sở hữu những câu chuyện thực tế nhất và hấp dẫn nhất. Và công việc tiếp theo của bạn chỉ là lấy nó về, chế biến lại sao cho hấp dẫn mà thôi.
Chúc bạn sẽ trở thành người viết landing page khiến khách hàng sẵn sàng “mở hầu bao”.
Nguồn thông tin:
- https://writers.com/the-art-of-storytelling
- https://copyhackers.com/2016/04/storyhacking-cracking-the-code-behind-the-irresistible-selling-power-of-stories/
- https://blog.hubspot.com/marketing/storytelling