Khi chọn viết bài về “từ bỏ sự hoàn hảo” và tìm hàng loạt thông tin về chủ đề này, trước mặt mình vẫn chỉ là trang giấy trắng.
Một loạt suy nghĩ hiện lên trong đầu:
“Thông tin này rất hay, tuy nhiên văn phong hơi khó tiêu.
Viết như thế này chưa thú vị cho lắm.”
Và thế là suốt vài tiếng đồng hồ, mình vẫn chỉ lang thang đọc thông tin mà chưa có gì để viết. Đòi hỏi sự hoàn hảo đôi khi khiến chúng ta trì hoãn những việc quan trọng. Hiệu suất học tập và làm việc bị giảm mạnh vì ta đã để mặc tâm trí lang thang suốt cả một ngày trời.
1. Chủ nghĩa hoàn hảo là gì?
Các chuyên gia có xu hướng định nghĩa chủ nghĩa hoàn hảo là sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn cá nhân quá cao và sự tự đánh giá bản thân quá khắt khe.
Nguyên nhân của chủ nghĩa hoàn hảo có thể đến từ:
Nỗi sợ bị người khác phán xét hoặc không chấp thuận: sau bài viết đầu tiên đăng lên mạng xã hội, mình mất tới 6 tháng cho bài viết tiếp theo vì nỗi sợ này.
Trải nghiệm về chủ nghĩa hoàn hảo trong thời thơ ấu: mình từng nghe kể về nhiều câu chuyện trẻ bị bố mẹ đánh mắng vì “dám” đứng thứ 2 trong lớp.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
- Lòng tự trọng kém.
- Cảm giác không đủ tốt.
- Nhu cầu kiểm soát cao.
- Gắn giá trị bản thân với thành tích.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Có ba loại chủ nghĩa hoàn hảo chính.
Loại thứ nhất chỉ nhóm người yêu cầu quá khắt khe với bản thân. Họ thường gắn giá trị bản thân với thành tựu bên ngoài. Nhờ cầu toàn với bản thân nên họ có sự tận tâm và động lực lớn khi làm việc. Nhưng hệ quả là họ dễ lo lắng và ám ảnh.
Loại thứ hai là nhóm người đối xử và yêu cầu khắc nghiệt với người khác. Họ đặt kỳ vọng cao vào bạn đời hoặc con cái. Không chỉ kỳ vọng, họ còn gây áp lực buộc bạn đời, con cái phải sửa chữa những sai sót mà họ nhận thấy.
Loại thứ ba là nhóm người cầu toàn vì bị áp lực từ gia đình, xã hội.
“Các bạn đều thi được 27,28 điểm, vào trường top vậy mà mày chỉ vào được mấy trường làng nhàng.”
“Con cô X hàng xóm vừa mua được nhà được xe, chuẩn bị lấy vợ đấy.”
Luôn bị áp lực từ xã hội nên nhóm người này luôn cố gắng thể hiện sự hoàn hảo để được chấp nhận.
Bạn có phải là một trong ba nhóm người trên?
2. Một số dấu hiệu trong các khía cạnh cụ thể cho thấy bạn có thể là một người cuồng sự hoàn hảo
Thử nhìn nhận xem bạn có đang mắc phải một số triệu chứng của người cuồng chủ nghĩa hoàn hảo ở dưới đây:
- Về thành tích nghề nghiệp và giáo dục, bạn đặt ra tiêu chuẩn khắt khe cho bản thân và người khác dẫn đến tình trạng chậm trễ do mất nhiều thời gian để đo lường và đánh giá.
- Về yếu tố thẩm mỹ, bạn gọn gàng và sạch sẽ quá mức. Bạn dễ nổi nóng khi ở một nơi không đạt tiêu chuẩn của mình.
- Về việc viết email và viết lách nói chung, bạn trì hoãn vì sợ mắc lỗi nên mãi không thể hoàn thành.
- Về cách nói chuyện, bạn lo lắng quá mức về phát âm hay cách diễn đạt của bản thân.
- Về ngoại hình, bạn đặt ra tiêu chuẩn không tưởng về đầu tóc, quần áo, cân nặng, hình ảnh cơ thể. Bạn có thể đi làm muộn, miễn là với một bộ trang phục hoàn hảo.
- Về sự sạch sẽ, bạn có thể ám ảnh về việc chạm vào hoặc ăn bất cứ thứ gì. Vì quá lo lắng nên bạn thường xuyên đến gặp bác sĩ.
3. Sống với một nhà phê bình khắc nghiệt bên trong, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao?
Thật không dễ dàng khi phải chung sống với tiếng nói phê bình gay gắt ở bên trong. Bất kể bạn đã cố gắng nhiều như thế nào, tiếng nói ấy đều đáp lại rằng:”Bạn chưa đủ tốt” hoặc “Bạn thật kém cỏi”.
Liên tục bị tấn công bởi tiếng nói nội tâm tiêu cực, bạn sẽ trở nên kiệt quệ về mặt tinh thần.
Theo 43 nghiên cứu khác nhau trong hơn 20 năm của Đại học York St.John, chủ nghĩa hoàn hảo có liên quan đến tình trạng kiệt sức cũng như trầm cảm, lo lắng, thậm chí là tử vong.
Trên Facebook có một hội nhóm có tên “Hội những người muốn tự tử” thu hút 37 000 tài khoản tham gia. Cụ thể, có bạn trẻ đăng câu hỏi trong nhóm rằng:
“Có ai biết cách nào mà tự tử không đau không chứ em áp lực quá. Áp lực việc học. Áp lực gia đình. Áp lực bạn bè.”
Một bạn khác chia sẻ:
“Có bao giờ mọi người nghĩ bản thân là gánh nặng cho người khác chưa. Ban đêm lúc mà người khác đang ngủ ngon thì bản thân bán mạng kiếm tiền cho gia đình nhưng chưa bao giờ được công nhận.”
Đôi khi, áp lực của sự hoàn hảo và mong cầu được chấp nhận khiến bạn đè nén chính mình và tạo ra những “đổ vỡ” bên trong.
Để xoa dịu tổn thương và bước vào hành trình từ bỏ sự hoàn hảo, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây.
4. Cách để từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo và có một cuộc sống “dễ thở” hơn
Để từ bỏ sự hoàn hảo và thật sự tận hưởng cuộc sống, bạn có thể thực hành theo các bước sau:
Bước 1: Nhận ra mình đang yêu cầu sự hoàn hảo quá mức.
Hãy thử trả lời những câu hỏi sau:
- Tôi có gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của riêng mình không?
- Tôi có thường cảm thấy thất vọng, chán nản, lo lắng hoặc tức giận khi cố gắng đạt được các tiêu chuẩn của mình không?
- Có ai đó nói rằng tiêu chuẩn của tôi quá cao không?
- Nếu gặp khó khăn về việc đáp ứng thời hạn khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì đó là một nhiệm vụ bất ngờ và khó xoay sở hay do bạn trì hoãn thực hiện?
Bước 2: Suy nghĩ thực tế.
Chẳng ai hoàn hảo và bất cứ ai cũng đều mắc sai lầm. Hãy củng cố điều này cho bản thân bằng việc nói hoặc viết ra những điều dưới đây:
- “Không ai là hoàn hảo!”
- “Tất cả những gì tôi có thể là làm hết sức mình!”
- “Mắc sai lầm không có nghĩa là tôi ngu ngốc hay thất bại. Nó chỉ có nghĩa là tôi cũng giống như những người khác. Là con người, ai cũng mắc sai lầm!”
- “Không phải lúc nào cuộc sống cũng dễ chịu. Mọi người đôi khi có một ngày tồi tệ.”
- “Sẽ chẳng có vấn đề gì nếu một số người không thích tôi. Chúng ta đều không yêu quý tất cả mọi người, ngược lại cũng vậy”.
Bước 3: Quay trở về tình hình thực tại của bạn.
Giả sử bạn tự trách bản thân dậy muộn nên làm hỏng một khởi đầu hoàn hảo, hãy tự hỏi bản thân rằng:
Những người khác có thể nhìn nhận về tình huống này như thế nào? Hầu hết mọi người đều có những ngày mệt mỏi quá độ nên chuyện ngủ quên là hoàn toàn chấp nhận được. Những người xung quanh tôi đều có những ngày như thế.
Có những cách nào khác để nhìn nhận chuyện này?
Nhìn nhận lại thì những ngày tôi dậy sớm đều là nhờ được nghỉ ngơi đầy đủ và tâm trí nhẹ nhõm. Khi phải làm quá nhiều việc vào ngày hôm trước thì có lẽ việc dậy muộn là dấu hiệu cho thấy cơ thể tôi cần được nghỉ ngơi nhiều hơn.
Tôi có thể nói gì với một người bạn thân để cô ấy từ bỏ sự hoàn hảo về giờ giấc?
Đôi khi chúng ta sẽ có những hôm đột xuất phải làm nhiều việc nên dậy sớm 4 ngày trong 1 tuần là ổn.
Bước 4: Nhìn vào bức tranh lớn.
Những người cuồng sự hoàn hảo thường có xu hướng sa lầy vào các chi tiết vụn vặt. Vì vậy, hãy tỉnh táo kịp thời và để bản thân nhìn vào bức tranh lớn hơn:
- Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
- Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, tôi sẽ ra sao?
- Điều này có còn quan trọng vào ngày mai, tuần sau, năm sau?
Khi xác định được tình hình có thể xảy ra trong tương lai, bạn có thể sẽ bình
tĩnh và bớt lo lắng hơn.
Bước 5: Đưa ra thỏa hiệp với bản thân.
Ở bước này, hãy thử hạ thấp các tiêu chuẩn của bản thân xuống một bậc.
Trong trường hợp của mình, việc dậy muộn một hôm có thể khiến mình cảm thấy khởi đầu hoàn hảo của một ngày đã bị phá vỡ.
Mình đã lên lịch khung thời gian đầu ngày cho việc viết blog cá nhân nhưng thực tế là mình đã không còn khoảng thời gian đó do ngủ quên.
Đối mặt với tình huống này, mình đành buộc phải lựa chọn:
Một là bỏ qua việc viết lách trên trang cá nhân hoặc blog một hôm để làm chỉn chu, hoàn hảo các nhiệm vụ còn lại theo kế hoạch.
Hai là vẫn viết blog nhưng sẽ gói gọn về mặt thời gian và hạ thấp tiêu chuẩn một bậc cho các nhiệm vụ, miễn sao mọi thứ đều hoàn thành.
Thật tốt là mình đã thử trải nghiệm cả hai lựa chọn kể trên và đều cảm thấy hài lòng vào cuối ngày. Mình nhận ra mọi thứ chỉ tồi tệ khi mình bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực và trì hoãn tất cả các nhiệm vụ còn lại.
Mặc dù tin rằng từ bỏ sự hoàn hảo là cần thiết nhưng mình cũng không phủ nhận về mong muốn hoàn thiện và phát triển bản thân của mỗi người. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Hãy đặt ra cho mình một mục tiêu đủ thử thách để theo đuổi. Nhưng nếu việc thực hiện mục tiêu gây ra cho bạn những căng thẳng triền miên thì hãy điều chỉnh lại về tốc độ hoặc hướng đi, bạn nhé.
Nguồn:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/323323#How-to-counter-the-harms-of-perfectionism
https://www.verywellmind.com/signs-you-may-be-a-perfectionist-3145233
https://www.anxietycanada.com/articles/how-to-overcome-perfectionism/