A là một cô gái 28 tuổi, hiện đang làm công việc văn phòng với mức lương 7 triệu/tháng. Đây không phải là công việc yêu thích của cô. Vì vậy mà cô muốn học hỏi thêm những kỹ năng mới liên quan đến lĩnh vực mình yêu thích để chuẩn bị cho việc chuyển ngành.
Tuy nhiên, mức lương hiện tại khiến cô luôn cảm thấy thiếu thốn và không thể trang trải cho những khóa học mà cô cần.
Công việc ở công ty dường như đang chiếm quá nhiều thời gian và tâm trí của cô đến nỗi chỉ cần về đến nhà là cô mệt lả và muốn buông xuôi mọi thứ.
Vì vậy, A bắt đầu đắm chìm trong những suy nghĩ tự trách về năng lực bản thân. Sự hạn chế về khả năng khiến cô chỉ có thể lựa chọn mức lương “vừa khít” với chi tiêu hàng tháng mà không hề dư dả lấy một nghìn.
Cô bắt đầu so sánh mình với những bạn trẻ năng động với lương tháng vài chục triệu hay với những anh chị trung niên có chỗ đứng vững chắc trong công việc nhưng vẫn dư sức chuyển ngành nhờ có nguồn thu nhập dự trữ chắc chắn.
A bắt đầu đắm chìm trong nhà tù của những suy nghĩ tiêu cực mà cô tự tạo ra nhưng không nắm giữ chìa khóa. Tình trạng này khiến cô bắt đầu mất ngủ triền miên, thiếu tỉnh táo trong công việc và cơ thể dần trở nên rệu rã.
Phải làm sao để A thoát khỏi những suy nghĩ không mong muốn này?
Liệu có một phương thức nào giống như một chiếc máy hút bụi giúp A hút cạn những suy nghĩ tiêu cực trong đầu (ít nhất là vào trước giấc ngủ của cô) để giảm bớt sự nặng nề cả về tinh thần và thể xác hay không?
Cuốn sách Opening Up by Writing It Down của tiến sĩ James W.Pennebaker và tiến sĩ Joshua M.Smyth có viết rằng:
“Trong một nghiên cứu về những người ngủ kém, những người tham gia được yêu cầu viết về những lo lắng và mối quan tâm hoặc về sở thích. Kết quả là nhóm phải viết về những lo lắng và các mối quan tâm báo cáo rằng họ ngủ thiếp đi nhanh hơn so với nhóm còn lại.”
Một loạt các nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng viết biểu cảm trước khi đi ngủ làm giảm suy nghĩ trầm ngâm và cải thiện giấc ngủ theo nhiều chiều.”
Bên cạnh đó, trong một thí nghiệm, những người viết ra suy nghĩ sâu sắc của họ về những trải nghiệm đau buồn cũng được yêu cầu thu thập máu và đo lường chức năng miễn dịch.
Kết quả là sau thí nghiệm kéo dài 4 ngày liên tiếp với 20 phút viết mỗi ngày, những người này đã được chứng minh rằng chức năng miễn dịch của họ được tăng cường hiệu quả hơn so với những người viết về các chủ đề hời hợt.
Hiệu ứng này thể hiện rõ rệt nhất sau những ngày viết bài cuối cùng và có xu hướng kéo dài sáu tuần sau khi nghiên cứu.
Mặc dù ngay tại thời điểm viết hoặc sau đó một thời gian ngắn, hầu như không có ai ngay lập tức cảm thấy hào hứng, phấn khích mà thậm chí là ngược lại. Cảm giác đau đớn vẫn quẩn quanh và ám ảnh họ.
Tuy nhiên, sau khi thí nghiệm diễn ra vài tháng, gần như tất cả những người viết về chấn thương đã mô tả ảnh hưởng của liệu pháp viết theo hướng tích cực. Và thay vì giải thích rằng họ cảm thấy tốt hơn khi loại bỏ cảm xúc tiêu cực ra khỏi lồng ngực, họ chia sẻ rằng mình đã hiểu bản thân hơn như thế nào.
Dưới đây là một vài cảm nghĩ của những người đã tham gia thí nghiệm về liệu pháp viết:
“Nó giúp tôi suy nghĩ về những gì tôi cảm thấy trong thời gian đó. Tôi chưa bao giờ nhận ra nó ảnh hướng đến mình như thế nào trước đây.”
“Tôi đã phải suy nghĩ và giải quyết những kinh nghiệm trong quá khứ… Thí nghiệm đã giúp tôi cảm thấy sự an tâm và tìm ra một phương pháp để giải tỏa những trải nghiệm cảm xúc. Việc phải viết ra những cảm xúc đã giúp tôi hiểu mình đã cảm thấy thế nào và tại sao. Mặc dù tôi chưa nói chuyện với ai về những gì tôi đã viết nhưng cuối cùng, tôi đã có thể đối mặt với nó, vượt qua nỗi đau thay vì cố gắng ngăn chặn. Bây giờ tôi không còn đau khi nghĩ về nó nữa.”
Họ chia rằng chính quá trình suy nghĩ và làm việc với những cảm xúc thông qua viết lách đã giúp họ thoát khỏi nỗi đau và chữa lành tổn thương trong quá khứ.
Và một khi tổn thương trong quá khứ được chữa lành, sức mạnh tinh thần bắt đầu xuất hiện và được phát huy mạnh mẽ.
Nếu hôm nay bạn đang cảm thấy tắc nghẽn và ngột ngạt bởi hàng loạt suy nghĩ tự động chạy trong đầu, hãy thử thực hành liệu pháp viết trong 20 phút với các gợi ý viết sau đây:
- Bạn đang có những suy nghĩ gì?
- Cảm xúc của bạn lúc này ra sao?
- Nếu có một hình ảnh hay một đồ vật có thể mô tả được cảm xúc của bạn thì đó là thứ gì?
- Ngay lúc này, bạn có thể làm gì để khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn?
- Nếu trải nghiệm khó chịu của bạn là do người khác mang lại, hãy thử tưởng tượng mình là người đó và viết ra những gì họ muốn nói với bạn.
Bạn cần viết liên tục trong 20 phút không bị ngắt quãng cũng không cần quan tâm đến dấu câu, chính tả và cũng đừng phán xét những suy nghĩ của mình.
Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên và cuối cùng, sau khi kết thúc buổi thực hành liệu pháp viết, bạn cũng có thể viết ra những cảm nhận của bạn về trải nghiệm này. Nếu có thể, hãy chia sẻ cảm nhận của bạn với mình qua hòm thư tamsu.mituwriter@gmail.com nhé.