Tại sao bạn cảm thấy đời mình chỉ toàn khổ đau?

Mình từng nghe nhiều câu than phiền về cuộc đời có đại ý như thế này ở khắp mọi nơi: người thân, bạn bè, các bình luận trên mạng xã hội…

Nó khiến mình cảm nhận được những người đó đang bị một bóng ma tiêu cực bao trùm lên tâm trí. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng tạo ra một sự thắc mắc và thôi thúc mình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Rốt cuộc thì những người đang than phiền cuộc đời chỉ toàn khổ đau này, tại sao họ lại cảm thấy như vậy?”

Và mình tìm thấy một vài thông tin lý giải khá hợp lý.

1. Những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy đời mình luôn đau khổ

Thứ nhất, não bộ của con người được lập trình để cảm nhận và ghi nhớ nỗi buồn tốt hơn niềm vui.

Khi bạn có một ngày làm việc kém hiệu quả và thiếu tập trung, bạn có thể nghĩ ngợi và dằn vặt cả đêm để trách móc tính trì hoãn và thiếu kỷ luật của mình.

Trong khi đó, vào một ngày khác, khi làm việc năng suất, bạn tự cảm thấy mình thật tuyệt vời và say sưa thưởng thức niềm vui của việc chiến thắng bản thân.

Nhưng “30 chưa phải là Tết”, vui chưa bao lâu, vừa nhận được lời chê bai về chất lượng công việc, cảm xúc của bạn đã quay 180 độ trở về trạng thái ủ rũ, phủi sạch toàn bộ công sức của cả một ngày.

Teresa M. Amabile, giáo sư quản trị kinh doanh và giám đốc nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard đã yêu cầu 238 chuyên gia làm việc trong 26 dự án sáng tạo từ các công ty và ngành nghề khác nhau điền vào nhật ký bí mật hàng ngày trong một số tháng. Những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi dựa trên thang đo và mô tả ngắn gọn một điều nổi bật trong ngày hôm đó của họ.

Sau khi phân tích khoảng 12 000 mục nhật ký, giáo sư Amabile đã có một số phát hiện rằng:

Nếu sự tiến bộ trong công việc làm bạn vui lên một bậc thì sự thất bại làm giảm niềm vui đó đi hai bậc.

Nếu sự tiến bộ khiến bạn bớt thất vọng về bản thân một bậc thì sự thất bại lại làm gia tăng cảm giác thất vọng lên ba bậc.

Bên cạnh đó, có những nghiên cứu khác cho thấy với những người có tiền sử chấn thương hoặc trầm cảm nghiêm trọng, vùng hải mã trong não bộ thực sự có thể co lại 10-20% làm suy giảm khả năng ghi nhớ những trải nghiệm tích cực.

Tại sao não bộ lại có cách lập trình có vẻ kỳ cục thế này?

Nó dường như đến từ tổ tiên xa xưa của chúng ta, những người tiền sử. Họ thường xuyên phải cảnh giác với những âm thanh lạo xạo nhỏ nhất, nhanh chóng “đóng băng” hoặc ngay lập tức tấn công tùy từng trường hợp. Giống như những hình ảnh về thế giới hoang dã mà bạn đã từng xem, mỗi ngày họ đều phải chiến đấu để giành giật thức ăn và sự sống.

Như vậy hóa ra, những trải nghiệm tiêu cực lại là cách thức để bộ não cảnh báo con người khỏi nguy hiểm, nhất và với những đe dọa mang tính sống còn.

Khi một sự kiện được đánh dấu là tiêu cực, mạch amygdala-hippocampus ngay lập tức sẽ lưu trữ để tham khảo trong tương lai. Sau đó, nó so sánh các sự kiện hiện tại với hồ sơ về những sự kiện đau đớn cũ. Nếu có bất kỳ điểm tương đồng nào, “chuông báo động” sẽ bắt đầu vang lên.

Nguyên nhân thứ hai của việc bị ám ảnh tiêu cực là bởi nỗi buồn có thể tạo ra cơn đau về mặt thể xác.

Cách đây khoảng 10 năm, mình từng yêu đương và có trải nghiệm thất tình một vài lần. Cảm giác quả thật kinh khủng. Những đêm khó ngủ, những trận khóc lóc, chán ăn. Chỉ sau 2 tháng hè thì mình, một cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh với nước da sáng, hồng hào bỗng trở nên xơ xác và tiều tụy. Ai cũng sốc khi trông thấy mình lúc đó.

Khi về nhà, mặc dù mình giấu giếm bố mẹ về những chuyện đã xảy ra nhưng chỉ cần nhìn thần sắc hoang tàn của mình khi ấy thì bố mẹ mình cũng có thể đoán ra rằng chắc mình vừa trải qua một điều gì đó khá đau đớn.

Chưa hết, không chỉ là cơn đau tinh thần, mình còn thực sự cảm thấy trong một khoảnh khắc nào đó, vùng ngực trái của mình thật sự nhói đau.

Dường như điều này có liên quan đến một hội chứng được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ (broken-heart syndrome).

Hội chứng trái tim tan vỡ là một bệnh tim thường xảy ra do những tình huống căng thẳng và những cảm xúc tột độ. Tình trạng này cũng có thể được kích hoạt bởi một cuộc phẫu thuật hay một căn bệnh nghiêm trọng. Nhưng đó chỉ là một tình trạng tạm thời.

Cảm giác đau đớn về tinh thần và thể xác cùng hành hạ một lúc có thể khiến não bộ ngày càng khắc sâu trải nghiệm tệ hại này.

Nguyên nhân cuối cùng khiến bạn bị ám ảnh bởi những nỗi đau, theo mình là do bạn chưa biết cách ăn mừng hoặc đánh giá thấp những niềm vui nhỏ bé hàng ngày.

Bạn có thể mải mê đặt những mục tiêu cao ngất hay ngắm nghía những thành tựu từ người khác mà quên mất hạnh phúc nhỏ bé mình đang nắm trong tay.

Bạn quên mình đang có một cơ thể lành lặn giúp bạn nhìn, nghe, ngửi, sờ và cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống.

Bạn quên mình có một bộ não minh mẫn và khỏe mạnh giúp bạn học hỏi thêm những điều mới và không ngừng sáng tạo.

Bạn quên mình có một gia đình êm ấm, có thể chưa khá giả nhưng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui.

Bạn quên mình còn có bố mẹ, anh em hoặc những người thân luôn ở bên ủng hộ.

Cho dù nỗi sầu muộn triền miên của bạn bắt đầu từ nguyên nhân nào thì cuối cùng, bạn vẫn ao ước một cuộc sống có nhiều niềm vui, đúng chứ?

Vậy chúng ta có thể làm gì để cảm thấy đời mình bớt tả tơi?

2. Những việc cần làm để bạn không quên lãng những niềm vui nhỏ bé

Cách đầu tiên: Quên thì nhắc cho nhớ.

Nếu như ngày trước, mỗi lần lặp lại một trải nghiệm tiêu cực, bạn sẽ luôn thường trực câu nói: “Lại thế nữa rồi” thì bây giờ, hãy áp dụng cho trường hợp ngược lại.

Với bất cứ niềm vui mới nào trong này, đừng quên nhắc bản thân nhớ đến và tự nhủ: “A, mình lại vừa có thêm một niềm vui.”

Thay vì nỗi buồn, hãy tập trung tâm trí của bạn vào niềm vui và cách để nhân niềm vui của mình lên nhiều lần.

Cách đây ít hôm, mình có một ngày vui, buồn, lo lắng đan xen. Mình quyết định viết chữ “vuiiii” ra giấy và nhớ đến những giây phút tận hưởng niềm vui đó để nhắc nhở bản thân.

Điều thú vị là ngay khi mình viết chữ “vuiiii” ra giấy, bỗng nhiên bên trong mình có một cảm giác vui vẻ, ngọt ngào khó tả. Mình tạm quên đi những chuyện buồn vu vơ, tập trung vào niềm vui và thành công lấy lại năng lượng làm việc để gia tăng niềm vui ấy.

Cách thứ hai: Ghi nhật ký biết ơn.

Nếu không thể ghi nhớ hết những niềm vui nhỏ nhặt, bạn có thể ghi ra một cuốn sổ cá nhân.

Cuối ngày trước khi đi ngủ, đừng quên hồi tưởng lại một ngày của mình và liệt kê những niềm vui hay những điều mà bạn cảm thấy biết ơn.

Hãy viết theo mẫu câu “Tôi biết ơn vì…”

Ví dụ: Tôi biết ơn bản thân vì hôm nay đã cố gắng làm việc theo kế hoạch.

Tôi biết ơn vì bản thân đã duy trì thói quen tập thể dục thêm 1 ngày.

Tôi biết ơn những giây phút vui vẻ cùng chồng con trong hôm nay.

Hãy kiếm cho mình một không gian yên tĩnh để thực hành hoạt động này. Ngồi viết và thả trôi suy nghĩ của mình theo những con chữ, bạn sẽ thấy cơ thể mình dần nhẹ nhõm và thả lỏng.

Trong phút chốc, dường như vây quanh bạn sẽ chỉ toàn niềm vui và sự biết ơn.

Bạn quên đi những khó khăn, nhọc nhằn của một ngày dài, quên đi những lời nói khó nghe mà ai đó vô duyên vô cớ đổ lên đầu bạn.

Hay cũng có thể là bạn chẳng thèm chấp nhặt nữa vì bạn đang bận sống trong thế giới hồi tưởng của những niềm vui và hạnh phúc.

Mình tin rằng bất cứ ai thực hành những cách thức này đều đặn và nghiêm túc biến điều đó trở thành lối sống đều có thể cảm nhận được sự chuyển hóa cảm xúc kỳ diệu mà nó mang lại.

Vốn dĩ cuộc đời của ai cũng vậy, đâu chỉ có nỗi buồn và cũng đâu chỉ có niềm vui. Cảm xúc của chúng ta khi nhìn nhận về cuộc đời khác nhau là bởi chúng ta nhìn cuộc đời theo những lăng kính khác nhau mà thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *