5 nguyên tắc để làm freelance writer thuận lợi

Cách mình bước vào hành trình viết lách tự do như thế nào? Bạn có thể tưởng tượng như thế này.

Mình đứng ở trên một vách núi cao thật cao và NHẢY ÙM XUỐNG. Không có bất cứ thứ bảo hiểm nào trên người.

Trước đó, mình đã nằm lòng lời khuyên từ các tiền bối rằng hãy có giai đoạn chuyển giao từ fulltime sang part time, rồi dắt túi chút vốn liếng, phòng những ngày “đói việc”. Mình cũng ngoan ngoãn làm theo, có 1 công việc nho nhỏ đủ gọi là part time và thêm một công việc chính ở trung tâm tiếng Anh.

Trớ trêu thay, khi cảm thấy công việc ở trung tâm tiếng Anh có thể chiếm của mình tới 12 tiếng mỗi ngày, mình quyết định từ bỏ. Và 1, 2 ngày sau đó, mình bị mất việc part time vì giao tiếp thiếu khéo léo với khách hàng trong nhóm chung.

Mình đã trải qua những tháng ngày buồn tủi, hoang mang và liên tục bị ám ảnh với suy nghĩ mình không đủ khả năng, cũng không được thừa nhận. Nhưng đến bây giờ, mình vẫn tồn tại và có những bước tiến trong hành trình viết lách tự do vừa ngọt ngào cũng vừa thử thách này.

Từ những bài học “xương máu” của tháng ngày bị vùi dập ấy, mình đã rút được 5 nguyên tắc khi làm freelance writer để công việc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

1. Cẩn trọng lời nói khi giao tiếp ở nhóm làm việc chung

Mình nhận ra bản thân đã mắc sai lầm dẫn đến hậu quả bị mất ngay công việc đầu tiên không phải vì khả năng viết mà là do giao tiếp.

Thứ nhất, mình thụ động chờ leader giới thiệu thành viên trong nhóm mà không chủ động dò lại cuộc trò chuyện trong nhóm chat rồi chủ động hỏi leader.

Thứ hai, trong một nhóm chat chung có cả khách hàng, hãy để leader làm người đối thoại chính. Nếu bạn có ý kiến riêng nhưng chưa chắc chắn, hãy hỏi trước ý kiến của leader.

Thứ ba, những gì liên quan đến thời hạn cũng vậy. Khi bạn không chắc chắn về thời hạn, hãy trao đổi điều này với leader trước để họ nắm được tình hình. Sau đó, họ sẽ có cách để sắp xếp và điều phối công việc cho kịp tiến độ.

Đừng im lặng mãi đến khi khách hàng hỏi lại, bạn mới hùng hổ chạy ra giải thích như mình.

Đừng khiến leader và cả nhóm phải chịu hậu quả cho mớ lộn xộn mà bạn gây ra.

2. Đừng đặt deadline mà không suy nghĩ

Trước đây, mình thường thụ động làm theo thời hạn do khách hàng hoặc leader đặt ra mà không nghĩ là nên thỏa thuận để phù hợp với tình hình thực tế của bản thân.

Vì vậy, có 2 hệ quả đã xảy ra:

  • Một là mình làm ngày làm đêm đến mức lưng tê cứng, mắt cay xè để kịp hạn nộp bài.
  • Hai là mình chấp nhận làm không xong và phải chạy theo xin lỗi.

Đương nhiên cả khách hàng, leader và mình đều không vui.

Vì vậy sau này mình đã đặt ra nguyên tắc là trước khi đặt ra thời hạn, mình phải cân nhắc đến nhiều yếu tố hơn.

Các yếu tố đó sẽ là: thời gian làm bài, thời gian sửa bài, thời gian làm ảnh, các công việc khác hoặc những nhiệm vụ phát sinh bất ngờ như việc gia đình, con cái.

Tuy nhiên, sau khi đã tính toán đủ yếu tố nhưng bạn vẫn gặp rắc rối với thời hạn, bạn có thể nghĩ đến việc thuê người khác làm thay và trích một phần thù lao để trả phí.

Nếu như làm theo cách này, hãy cố gắng nêu đầy đủ yêu cầu để người được thuê hiểu được mong muốn của bạn. Bởi họ là người viết bài, nhưng bạn mới là người được khách hàng và leader đánh giá dựa trên bài viết.

3. Tạo portfolio hoàn chỉnh

Một portfolio hoàn chỉnh sẽ là câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi “Vì sao chúng tôi nên chọn bạn?”

Nó không chỉ giúp bạn tìm được khách hàng phù hợp mà còn rút ngắn thời gian tiếp cận khi bạn phải tranh đấu với hàng trăm ứng viên khác.

Mình vẫn nhớ ngày đầu làm freelancer, chiếc bình luận hoặc tin nhắn của mình luôn nhanh chóng rơi vào quên lãng vì khách hàng nhận tới hàng trăm bình luận, tin nhắn từ các ứng viên như mình. Họ không có thời gian để trả lời toàn bộ, và cũng không muốn quan tâm đến những người không có gì nổi bật.

Thế nhưng, ngay sau khi mình có portfolio, mọi chuyện thay đổi theo chiều hướng tốt. Mình được hồi đáp chỉ sau 5 phút, bất kể trước mình đã có hơn 60 người liên hệ.

Vậy làm thế nào để bạn có một portfolio hoàn chỉnh, kể cả khi chưa có nhiều kinh nghiệm? Hãy tham khảo bài chia sẻ này của mình.

4. Chia sẻ kiến thức, mở rộng mạng lưới quan hệ

Ưu điểm của việc chủ động chia sẻ kiến thức là gì?

Thứ nhất, bạn được bày tỏ quan điểm của bản thân, chia sẻ kiến thức giúp người đọc hiểu biết hơn về một vấn đề. Và thông qua cách bạn viết, họ cũng hiểu hơn về bạn. Càng xuất hiện thường xuyên, bạn càng được người khác nhớ đến.

Họ sẽ chủ động tìm đến theo dõi bạn, kết bạn với bạn, chủ động đón đọc nhiều bài viết hơn từ bạn. Bạn được thỏa mãn cảm giác bản thân là người hữu ích.

Thứ hai, khi chia sẻ trên các nhóm viết lách chuyên nghiệp, bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với những khách hàng tiềm năng. Hãy tưởng tượng quá trình bạn đi tìm khách hàng giống như đi ra sông kiếm nước.

Việc bạn nhọc công tìm kiếm từng khách hàng cũng giống đang múc từng gáo nước, vất vả và rủi ro, vì nước có thể đổ giữa đường. Khách hàng chưa chắc đã “chốt đơn”. Thế nhưng khi bạn chủ động chia sẻ kiến thức, bạn giống như đang tạo ra một hệ thống ống nước dẫn thẳng từ sông về nhà cho bạn vậy. An toàn, tự động và rủi ro thấp.

Bạn thích lựa chọn nào hơn?

5. Chia khung thời gian để cân bằng tâm – thân – trí

Mình đã từng trải qua những khoảng thời gian không nhận được công việc nào trong suốt 2, 3 tuần. Đến giờ nghĩ lại, mình vẫn thấy hoảng hốt.

Tuy nhiên, sai lầm của mình là để bản thân chìm đắm trong sợ hãi, sau đó lại cắm chốt trong các nhóm tuyển dụng như Chợ viết để tìm việc mà không dám để lỡ phút nào.

Thậm chí, có những lần gửi mail pitching (đấu thầu), mình ngu ngơ không biết sử dụng mail track nên cứ 1 phút lại kiểm tra mail 1 lần. Trong đầu mình cứ ong ong câu hỏi:

  • Họ đã đọc mail của mình chưa?
  • Họ đánh giá mình thế nào?
  • Liệu họ có chọn mình không?

Mình chỉ mải sợ sệt cả ngày mà quên mất phải:

  • Học thêm kỹ năng mới trong lúc chờ
  • Tranh thủ tập thể dục khi rảnh rỗi
  • Chia sẻ thêm bài viết trên các nhóm để quảng bá bản thân

Cho đến một lần, mình nhận thức được rằng, nếu cứ mãi sợ sệt, mình sẽ không còn thời gian và không gian trong tâm trí để nghĩ ngợi và sáng tạo ra hướng đi mới cho bản thân.

Mình quyết định ra ngoài đi bộ, và nhất định là phải 5 vòng (khoảng 30 phút) vì đó là khoảng thời gian vừa đủ cho mình bình tĩnh lại và cảm thấy tích cực hơn.

Thật tuyệt là khi ra ngoài thư giãn, mình đã kiểm lại điểm mạnh của bản thân và nghĩ ra cách để phát huy điểm mạnh này.

Vì vậy, mình khuyên bạn nên đặt ra khung thời gian cho từng hoạt động cụ thể:

  • Lúc nào để tìm việc, gửi mail cho khách hàng?
  • Lúc nào để học tập, chia sẻ kiến thức?
  • Lúc nào để tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, sức bền để chiến đấu với thời hạn?
  • Lúc nào là khoảng thời gian một mình để tư duy, lên chiến lược cho tương lai?

Khi bạn hoạt động theo khung thời gian và xử lý được ít nhất 3 nhiệm vụ quan trọng mỗi ngày, bạn sẽ luôn cảm thấy bản thân có thành quả dù có chốt được việc mới hay không. Miễn là mỗi ngày của bạn đều có ích, bạn vẫn đang đi đúng đường và rút ngắn thời gian để tiến đến mục tiêu.

Thật ra, bạn có thể đã đọc những chia sẻ tương tự ở trên ở đâu đó. Mình cũng vậy. Mình từng đọc cả trăm lời khuyên về viết lách tự do trước khi bắt đầu.

Nhưng khi bản thân là người trong cuộc thì mình mới thực sự thấm thía.

Dù vậy, mình cũng mong câu chuyện mà mình chia sẻ có thể giúp bạn ý thức được những điều này sâu sắc hơn, từ đó giúp công việc của bạn trở nên suôn sẻ.

Chúc bạn may mắn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *