Muốn có tác phẩm, bạn cần có ý tưởng. Để có ý tưởng thú vị, bạn không chỉ cần sự sáng tạo mà còn cần cả hiểu biết.
Hiểu biết đến từ những kiến thức, những con số, những câu chuyện đời người. Và dường như, những điều này trong sách đều đủ cả.
Đỗ Phủ đã từng nói “Sách đọc vỡ muôn quyển, hạ bút như có thần”. Vì vậy, mình càng tin tưởng hơn khi cho rằng sách là mỏ kim cương cho ý tưởng mà mỗi câu chữ trong đó đều có thể trở thành một ý tưởng để đời.
Khi lật giở từng trang sách, chúng ta giống như những nhà du hành đi vào một không gian, thời gian khác để rồi cùng đồng cảm, thấu hiểu với nhân vật hay có những khoảnh khắc Ơ rê ka kỳ diệu khi phát hiện ra một sự thật mới.
Câu chuyện về nhạc sĩ Mozart thiên tài khi 5 tuổi đã có thể soạn nhạc và 8 tuổi đã biểu diễn khắp nơi thì ai cũng biết. Còn lý giải về điều này, mình tìm thấy 2 luồng tư tưởng khác biệt từ 2 cuốn sách. Cuốn “Muôn kiếp nhân sinh” của Nguyên Phong (giáo sư John Vũ) vốn là một cuốn sách về đề tài tâm linh, đặt ra giả thuyết rằng “Phải chăng tài năng âm nhạc mà Mozart có được chính là những ký ức ở tiền kiếp còn lưu lại trong tiềm thức?”
Còn trong cuốn Giải mã tài năng của Geoff Colvin, tác giả lại cho rằng sở dĩ Mozart giỏi như vậy là do từ nhỏ, ông được đào tạo soạn nhạc một cách bài bản và khắt khe từ người cha là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng. Ông cũng có soạn nhạc nhưng những bản nhạc thời nhỏ liệu có được người cha “sửa sang” lại không thì vẫn còn là nghi vấn.
Không biết ai đúng ai sai nhưng góc nhìn của cuốn sách nào cũng giá trị. Mình nghĩ rằng đây cũng là một sự minh họa tuyệt vời nếu như bạn đang cần ý tưởng để viết về sự phản biện hoặc góc nhìn đa chiều.
Tuy nhiên, ý tưởng đắt giá đôi khi không tự bày ra trước mắt chúng ta. Nó chỉ là một mảnh kim cương thô và để trở nên hoàn hảo, ta cần phải mài giũa, đánh bóng cho nó lấp lánh ở mọi góc cạnh.
Vậy quy trình để chế tác ý tưởng kim cương cần có những bước nào?
Bước 1: Tiếp nhận thông tin.
Hãy bắt lấy mọi thông tin mà bạn cảm thấy ấn tượng và ghi chú lại.
Bước 2: Đi tìm lý do cho thông tin này.
Tại sao điều này lại xảy ra? Nó xảy ra với ai? Tại sao điều này lại xảy ra với người ấy, tại địa điểm ấy, trong hoàn cảnh và thời gian ấy?
Bước 3: Liên tưởng và xác thực với thế giới hiện tại.
Điều này có đúng trong thế giới hiện tại không? Nó xảy ra với ai, trong trường hợp nào?
Bước 4: Nghĩ về diễn biến.
Nếu điều này xảy ra, những sự kiện tiếp theo sẽ là gì? Nó sẽ tạo ra sự kiện hay hậu quả gì? Có yếu tố nào có thể khiến nó thay đổi? Những điều này có mang tính quy luật không?
Bước 5: Liên kết với vấn đề bạn đang cần viết.
Và bây giờ, đừng chần chừ thêm nữa. Hãy với tay lên giá sách, lấy 1 cuốn và thử thực hành quy trình 5 bước mà mình đã gợi ý ở trên. Mình tin rằng khi bạn tìm đúng mỏ ý tưởng quý giá và khai thác đúng cách thì việc sở hữu những viên kim cương sáng chói chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
Bài tập:
- Chọn lĩnh vực và đối tượng mà bạn muốn viết về họ
- Chọn một thông tin thú vị mà bạn đọc được trong sách
- Làm theo quy trình 5 bước trên
- Viết ra tất cả những ý tưởng mà bạn có
Ví dụ minh họa:
Lĩnh vực: làm cha mẹ – cách giao tiếp tích cực với con
Đối tượng: phụ nữ có con từ 2 – 5 tuổi
Thông tin: Hành vi xấu của con đôi khi là cách để chúng đòi hỏi sự quan tâm, vỗ về từ cha mẹ
Quy trình 5 bước:
Bước 1: tiếp nhận thông tin
“Hành vi xấu của con đôi khi là cách để chúng đòi hỏi sự quan tâm, vỗ về từ cha mẹ”
Bước 2: đi tìm lý do cho thông tin này.
“Tại sao tác giả lại đưa ra kết luận này? Nó dựa trên nghiên cứu nào, những câu chuyện thực tế nào? Nếu như thể hiện sự quan tâm với trẻ ngay cả khi chúng thể hiện hành vi xấu thì chúng có dừng việc này lại không?”
Bước 3: liên tưởng và xác thực. “Điều này đã từng xảy ra với con của bạn hay những đứa trẻ xung quanh chưa? Nếu đã xảy ra thì tình huống cụ thể là gì?”
Bước 4: nghĩ về diễn biến. “Khi tình huống này xảy ra, các bà mẹ thường có những cách giải quyết nào? Mỗi cách giải quyết sẽ đưa đến kết quả khác nhau như thế nào? Cùng một cách giải quyết cho 1 loại tình huống có đưa về cùng 1 loại kết quả? Điều này có thể hiện một quy luật nào đó không?”
Bước 5: liên kết với vấn đề bạn cần viết.
Ý tưởng “Con tích cực khi mẹ tích cực”. Người mẹ cần là người thay đổi đầu tiên trong cách giao tiếp với con. Khi người mẹ thay đổi cách giao tiếp, con sẽ không còn căng thẳng và sẽ không thực hiện những hành vi xấu. Mối quan hệ của 2 mẹ con sẽ vui vẻ và gắn bó hơn.