Khoảng 3 năm trước, mình bắt đầu dấn thân vào công việc viết lách tự do toàn thời gian. Để có thể tồn tại với nghề này, mình buộc phải xuất hiện thông qua các bài viết trên mạng xã hội. Đây là điều mình chưa từng làm trước đó.
Sau khi đăng bài viết đầu tiên lên một số hội nhóm, mình nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Một vài người thậm chí còn đề nghị mình dạy viết cho họ.
Lẽ ra đây phải là một tín hiệu đáng mừng vì ít ra, mình đã truyền tải đến người đọc một vài giá trị nhất định. Nhưng không. Mình đã sợ hãi, co rúm vào trong vỏ ốc của bản thân và không có bài viết nào tiếp theo trong suốt 6 tháng sau đó.
Ở trong vỏ ốc tối tăm ấy, mình đã nghĩ:
“Rõ ràng hình ảnh mà mọi người đang mường tượng về mình lấp lánh hơn nhiều so với phiên bản thực tế.”
Mặc dù không hề làm màu hay phông bạt nhưng việc nhận được sự ngưỡng mộ quá đột ngột trong khi chưa có thành tích nổi bật khiến mình cảm thấy bản thân như một kẻ mạo danh.
Sau này, khi tìm hiểu về tâm lý học thì mình mới biết: hóa ra, trải nghiệm 3 năm trước của mình lại được biết đến thông qua cái tên Hội chứng kẻ mạo danh (Impostor syndrome).
Những người mắc hội chứng kẻ mạo danh sẽ có cảm nhận sâu sắc từ bên trong rằng mình không xứng đáng với những sự công nhận và tung hô của người khác. Đồng thời, họ cũng nơm nớp lo sợ một ngày nào đó, bản thân sẽ bị lột trần lớp vỏ tài giỏi mà họ vô tình “bị” khoác lên.
Hội chứng này được phát hiện đầu tiên ở những người phụ nữ thành đạt. Tuy nhiên, sau này, người ta phát hiện ra đàn ông cũng bị hội chứng này ám ảnh không kém.
Trong một cuộc phỏng vấn với NPR, nam diễn viên từng đoạt giải Oscar, Tom Hanks, giải thích rằng anh ấy cảm thấy đặc biệt có mối liên hệ với nhân vật của mình trong “A Hologram for the King” vì anh ấy cũng từng trải qua sự thiếu tự tin. Hanks nói:
“Bất kể chúng ta đã làm gì, sẽ có lúc bạn nghĩ, ‘Làm thế nào tôi đến được đây? Khi nào thì họ mới phát hiện ra rằng tôi thực sự là một kẻ lừa đảo và lấy đi mọi thứ của tôi?’ “
Dựa trên nghiên cứu của Tiến sĩ Valerie Young (chuyên gia về hội chứng kẻ mạo danh và đồng sáng lập Viện Hội chứng kẻ mạo danh) thì hội chứng kẻ mạo danh có thể được chia thành 5 loại cơ bản:
Loại 1: Người cầu toàn.
Kiểu người cầu toàn luôn đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo. Chính những đòi hỏi hoàn hảo đối với bản thân khiến họ cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh, rằng họ không giỏi như những gì người khác nghĩ.
Loại 2: Chuyên gia.
Kiểu người chuyên gia cảm thấy giống như một kẻ mạo danh vì họ không nắm vững mọi chi tiết và quy trình về một chủ đề cụ thể. Bởi vì có quá nhiều thứ để học nên họ không bao giờ cảm thấy mình có thể đạt đến cấp bậc “chuyên gia”.
Loại 3: Thiên tài bẩm sinh.
Trong loại hội chứng kẻ mạo danh này, bạn có thể cảm thấy mình giống như một kẻ lừa đảo chỉ vì bạn không tin rằng mình thông minh hoặc có năng lực bẩm sinh. Nếu bạn không đạt được điều gì đó ngay lần đầu tiên hoặc bạn mất nhiều thời gian hơn để thành thạo một kỹ năng, bạn sẽ cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh.
Loại 4: Nghệ sĩ độc tấu.
Bạn cũng có thể cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh nếu bạn phải nhờ giúp đỡ để đạt được một cấp độ hoặc trạng thái nhất định. Vì không thể tự mình đạt được điều đó nên bạn sẽ hoài nghi về năng lực của mình.
Loại 5: Siêu nhân.
Loại hội chứng kẻ mạo danh này liên quan đến việc tin rằng bạn phải là người làm việc chăm chỉ nhất hoặc đạt được thành tích cao nhất có thể. Còn nếu không thì bạn là một kẻ lừa đảo.
Nếu bạn băn khoăn liệu mình có thể mắc hội chứng kẻ mạo danh hay không, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Bạn có đau khổ vì những sai lầm hoặc sai sót nhỏ nhất trong công việc của mình không?
- Bạn cho rằng thành công của mình là do may mắn hay các yếu tố bên ngoài?
- Bạn có nhạy cảm với những lời chỉ trích mang tính xây dựng không?
- Bạn có cảm thấy mình chắc chắn sẽ bị phát hiện là kẻ giả mạo không?
- Bạn có hạ thấp chuyên môn của mình, ngay cả trong những lĩnh vực mà bạn thực sự giỏi hơn những người khác không?
Vấn đề lớn nhất của những người mắc hội chứng kẻ mạo danh là cho dù họ có làm tốt đến đâu thì niềm tin của họ về bản thân vẫn không thay đổi.
Khi đạt được một thành tựu nào đó, trong đầu họ sẽ luôn đeo bám kiểu suy nghĩ rằng: “Tôi là ai mà có quyền đứng ở đây? Sao tôi có thể nhận được một may mắn quá lớn như thế này?” Thậm chí, càng đạt được nhiều thành tựu, họ càng cảm thấy mình như một kẻ lừa đảo.
Nếu bạn là người đang vật lộn với hội chứng kẻ mạo danh, hãy tự vấn bản thân với một số câu hỏi dưới đây:
- Tôi có những niềm tin cốt lõi nào về bản thân?
- Tôi có tin rằng con người chân thật của mình xứng đáng được yêu thương?
- Tôi có cần phải hoàn hảo để được người khác chấp nhận không?
Ngoài việc tự vấn bản thân, bạn cũng cần có một số hành động cụ thể để vượt qua Hội chứng kẻ mạo danh:
- Chú ý những tình huống có thể kích hoạt hội chứng mạo danh để bạn có thể tránh hoặc chuẩn bị tinh thần tốt hơn trong tương lai (chẳng hạn chuẩn bị tốt nhất có thể mọi khía cạnh trong chủ đề mà bạn cần thuyết trình ở công ty).
- Ghi nhận những thành công của bản thân. Quyển sách “Đánh bại hội chứng kẻ mạo danh” (Beating Imposter Syndrome) của tác giả Mount & Tardanico (2016) đưa ra lời khuyên về việc tập thói quen viết ra 10 điều bạn làm tốt một cách thường xuyên. Hãy thực hành thói quen này để ghi nhận những điều mà bạn đã làm tốt, từ đó tạo ra hình ảnh tích cực về bản thân.
- Nói chuyện với chính mình một cách tử tế. Bạn có thể lưu lại những tin nhắn, email hay những lời khen ngợi, động viên từ người khác để tự nhắc bản thân rằng bạn đã tạo ra sự khác biệt tốt đẹp hơn cho cuộc sống của họ.
- Tìm kiếm hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp. Họ có thể giúp bạn ghi nhận điểm mạnh của mình một cách đúng đắn, cũng như có những đánh giá khách quan về những mặt hạn chế của bạn xem nó có thực sự tệ như bạn nghĩ hay không.
- Tập làm quen và thoải mái hơn với thất bại. Cuộc sống có rất nhiều yếu tố quyết định thành bại mà bạn không thể kiểm soát. Việc thành công ngay lần đầu tiên không quan trọng bằng trải nghiệm và bài học khi trải qua khó khăn vất vả – chuyện thất bại không có gì là đáng hổ thẹn.
Hãy nhớ rằng nếu bạn cảm thấy mình giống như một kẻ mạo danh, điều đó có nghĩa là trong thực tế, bạn đã đạt được một mức độ thành công nào đó mà bạn cho là nhờ may mắn. Thay vì cảm thấy không xứng đáng với những may mắn, bạn hãy xoay chuyển cảm xúc của mình thành lòng biết ơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng đừng ngại bộc lộ con người thật của mình để dần cảm thấy thoải mái với việc bản thân không phải là một viên ngọc hoàn hảo. Và nếu như sau khi đã làm tất cả những điều này mà tình trạng vẫn không cải thiện, bạn có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để được trợ giúp.
Nguồn tham khảo:
https://www.verywellmind.com/imposter-syndrome-and-social-anxiety-disorder-4156469