Có nên tìm đến bận rộn để quên đi nỗi đau?

Bạn đang loay hoay với một vấn đề nhức nhối, bạn đang bối rối và mất đi sự tỉnh táo trước một nỗi đau, bạn tìm đến một vài người bạn để chia sẻ nỗi lòng và kết quả bạn nhận được là:
“Có gì đâu, tại mày rảnh quá nên nghĩ lung tung đấy. Cứ làm cho mình bận rộn lên, làm quần quật từ sáng đến tối, về nhà mệt bã người, chỉ muốn đánh một giấc thẳng cẳng đến sáng, thời gian đâu mà buồn.”
Mình phải công nhận ở một mặt nào đó, lời khuyên này có phần hợp lý.
Thứ nhất là về mặt thời gian, quả đúng là khi chúng ta cố gắng lấp đầy tất cả thời gian của mình bằng sự bận rộn và buộc bản thân phải hoàn thành hết tất cả những việc đó thì chẳng còn thời gian cho việc ngồi một chỗ chán nản.
Thứ hai, những cảm xúc trong não bộ của chúng ta đôi khi không hoàn toàn là sự thật.
Nó là những “kịch bản” có thể được điều hướng. Trong bài viết: “Tại sao bạn cảm thấy đời mình chỉ toàn khổ đau?”, mình cũng từng nhắc đến việc não bộ của chúng ta được lập trình để ghi nhớ nỗi buồn tốt hơn niềm vui.
Việc liên tục nhắc nhở về những sự kiện tiêu cực là cách não bộ cảnh báo chúng ta về những nguy hiểm. Và khi bị “nhắc nhở” quá nhiều đến mức chìm đắm hoàn toàn trong những hình ảnh cảnh báo tiêu cực, điều đó sẽ tạo ra vấn đề cho cảm xúc của chúng ta.
Vậy thì việc dồn sự chú tâm của bản thân vào một hoạt động khác như một cách đánh lạc hướng não bộ cũng là một cách chấp nhận được, nhất là khi những hoạt động này đều là những hoạt động tích cực đối với sự phát triển cá nhân.
Bên cạnh đó, trong quá trình chúng ta thực hiện những hoạt động khác, đôi khi chúng ta sẽ nhận được một “tia sáng nhỏ” để làm mới nhận thức của chính mình về chính sự tiêu cực mà ta đang phải đối mặt.
Có một dạo, mình thường xuyên hoang mang và oán trách bản thân vì thu nhập kiếm được quá ít ỏi. Tâm trí mình lúc ấy như một đài tiếng nói liên tục phát ra những thông điệp tiêu cực không cách nào dừng lại. Nhịp tim lúc nào cũng nhanh và hơi thở thì luôn dồn dập.
Mình quay cuồng tìm job bằng cách xới tung từng group và liên tục tiếp cận khách hàng. Cũng có lúc, mình chỉ đơn giản là chán nản và ngồi nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính mà chẳng buồn động đậy. Bế tắc, bế tắc và bế tắc. Sau khi chịu hết nổi, mình quyết định tắt máy tính và ra ngoài đi bộ.
Không ngờ quyết định này lại đem lại cho mình những lợi ích ngoài dự tính. Ngước lên cao, mình thấy một khoảng trời cao rộng. Xung quanh mình có bát ngát cây xanh. Sự thoáng đãng về tầm nhìn dường như cũng đem lại một tâm trí rộng mở. Mình để ý thấy bản thân bắt đầu bình tĩnh, hơi thở dường như chậm và nhẹ nhàng hơn. Gạt qua mọi buồn bực của hiện tại, mình quyết định để bản thân đắm chìm trong việc thưởng thức thiên nhiên.
Ngạc nhiên là khi tâm trí đủ tỉnh táo và bình tĩnh thì những giải pháp thi nhau xuất hiện. Dĩ nhiên, không phải cứ lùi là sau đó sẽ tiến. Không phải giải pháp nào của mình cũng đem lại kết quả như mong đợi. Nhưng ít ra là mình đã đủ minh mẫn để tìm thấy chúng, dũng cảm thử sai, chấp nhận kết quả và lại tiếp tục cải tiến. Còn hơn là chỉ kêu than cả ngày và không làm gì.
Mình đã thử đi thử lại việc đi bộ mỗi khi gặp bế tắc thì kết quả là lần nào, tâm trí cũng trở nên sáng rõ. Nếu như việc đi bộ hoặc tập thể dục có tác dụng khiến đầu óc thư thái và minh mẫn như vậy thì tâm trạng của mình sẽ thế nào nếu làm điều đó hàng ngày? Mình cũng đã thử làm thí nghiệm bằng cách tăng cường thói quen tập thể dục trong một tuần đầu tiên và quan sát những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Và thế là mình đã có một tuần cực kì tích cực, một tinh thần luôn phấn chấn và những ý tưởng sáng tạo luôn ngập tràn.
Dĩ nhiên là việc tập thể dục để cải thiện tâm trạng này hoàn toàn có thể giải thích theo khoa học rằng nó khiến hormone Endorphin (chất giảm đau tự nhiên của cơ thể khi đối mặt với căng thẳng, khó chịu) được giải phóng. Việc duy trì tập luyện thường xuyên cũng có thể làm tăng hormone Serotonin giúp điều chỉnh cảm xúc. Đây đều là những hormone khiến con người cảm thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên, nếu không phải là tập thể dục mà là một hoạt động thể chất khác khiến tâm trí được thư giãn như làm việc nhà, thiền định, tưới cây…thì bạn cũng sẽ có những trải nghiệm tương tự.
Như vậy, lời khuyên làm cho bản thân bận rộn hơn để thoát khỏi nỗi đau nhìn chung sẽ khá hợp lý và mang lại hiệu quả tích cực.
Thế nhưng còn lỗ hổng nào xung quanh lời khuyên này không? Chắc chắn là có.
Nó đến từ cách chúng ta thấu hiểu bản thân, cách chọn những công việc khiến bản thân bận rộn và thái độ của chúng ta khi đối mặt với nỗi đau ban đầu.
  • Sẽ thế nào khi chúng ta dịch chuyển sự căng thẳng từ vấn đề A sang sự căng thẳng về vấn đề B và cuối cùng, chúng ta đã nhân đôi sự căng thẳng của mình?
  • Sẽ thế nào khi một người vốn biết mình hay khó ngủ nhưng lại quyết định vùi đầu vào công việc để lấp đầy thời gian, quên đi nỗi buồn? Họ có thể phải đối mặt với việc không thể chìm vào giấc ngủ vì đầu óc bị quá tải thông tin.
  • Sẽ thế nào khi chúng ta chỉ tạm thời dành sự chú ý cho một việc khác nhưng không dành thời gian soi chiếu lại vấn đề mà mình đang mắc kẹt để tìm lối đi?
  • Sẽ thế nào khi chúng ta liên tục tìm kiếm những hoạt động để khỏa lấp nỗi buồn như một thói quen, thậm chí là như một chứng nghiện? Nhiều người chọn cách đắm chìm trong công việc, tình dục, chất kích thích… để khiến nỗi đau bị tê liệt. Rồi sau đó họ trở thành con nghiện công việc, con nghiện tình dục hoặc con nghiện chất kích thích… và tiếp tục gặp căng thẳng khi không được thỏa mãn những điều này.
Nếu bạn đang để bản thân bận rộn theo cách như vậy, đây không phải là hướng giải quyết. Đó chỉ là sự trốn tránh.
Những vấn đề của bạn vẫn được “đóng hộp” kín mít và việc bạn làm chỉ đơn thuần là di chuyển chiếc hộp từ nơi này qua nơi khác.
Nếu những vấn đề mãi mãi không được khai mở mà chỉ nằm im lìm trong “chiếc hộp bí mật” thì chắc chắn, bạn sẽ vẫn cảm thấy nhức nhối ở bên trong, triền miên theo năm tháng.
Vì vậy, bận rộn để quên đi nỗi đau thì cũng tốt thôi, nhưng hãy bận rộn đúng cách. Đó là trước khi chọn một hoạt động để lấp đầy thời gian, bạn đã cân nhắc một cách kỹ càng để xem:
  • Nếu làm thêm hoạt động này, bạn có cân đối được thời gian biểu của mình không?
  • Hoạt động này có lợi cho tinh thần của bạn hay không? Nó khiến bạn cảm thấy thư giãn hay gia tăng căng thẳng?
Điều quan trọng là bạn nên học cách để luôn sẵn sàng đối mặt với nỗi đau ban đầu và nỗ lực áp dụng những hiểu biết mới của mình để xử lý vấn đề khởi nguồn tạo ra nỗi đau đó.
Bởi nỗi đau có thể lành lặn dần theo thời gian nhưng một khi nguyên nhân khởi điểm không được giải quyết triệt để thì sớm muộn gì trong tương lai, bạn cũng sẽ bị hành hạ thêm nhiều lần nữa bởi những nỗi đau tương tự.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *