Không chỉ vội vã tìm đến người khác như một “phao cứu sinh” cảm xúc, nếu có những dấu hiệu dưới đây, có thể bạn đã và đang biến mình trở thành một người dựa dẫm về mặt cảm xúc:
1. Bạn nhìn nhận về người bạn/người yêu theo một cách hoàn hảo.
2. Bạn tin rằng cuộc sống của mình thiếu ý nghĩa khi không có họ.
3. Bạn nghĩ rằng mình không thể tự mình tìm thấy hạnh phúc hay sự an toàn.
4. Bạn bị đeo bám bởi nỗi sợ của sự từ chối.
5. Bạn luôn cần được trấn an một cách thường xuyên.
6. Bạn cảm thấy trống rỗng và lo lắng khi dành thời gian một mình.
7. Bạn cần người khác khẳng định sự tự tin và giá trị bản thân cho mình.
8. Bạn luôn có cảm giác ghen tuông và muốn sở hữu.
9. Bạn khó có thể tin tưởng vào tình cảm của người khác.
Vấn đề lớn nhất của sự phụ thuộc cảm xúc là bạn khó có thể tìm được một mối quan hệ lành mạnh. Trong tình yêu và tình bạn, những người dựa dẫm cảm xúc vào người khác thường xuyên có những câu hỏi như:
“Anh có yêu em không?”
“Tớ có làm phiền cậu không?”
“Anh có thực sự muốn dành thời gian cho em không?”
“Hôm nay trông em thế nào?”
“Anh không muốn chia tay, phải không?”
Những người thuộc kiểu “cây tầm gửi” về cảm xúc này ngờ vực về bản thân nhiều đến nỗi họ luôn cần lời khẳng định từ người khác để có thể tự cảm thấy hài lòng về chính mình.
Họ bị ám ảnh bởi điều này đến nỗi chỉ cần nhận được sự trấn an ít đi một chút, họ thường có xu hướng nảy sinh nghi ngờ. Nỗi sợ bị bỏ rơi giày vò khiến họ trở nên nỗ lực để kiểm soát hành vi của những người mà họ đang dựa dẫm.
Và không may, đến một ngày nào đó, những người bạn, người yêu cảm thấy bị hút cạn năng lượng khi ở bên cạnh họ và lựa chọn rời bỏ. Điều này khiến họ như bị rơi xuống vực thẳm và ngày càng yếu đuối hơn bao giờ hết.
Nguyên nhân của tình trạng dựa dẫm cảm xúc này khá đa dạng. Nếu bạn phát hiện mình đang gặp tình trạng này, có thể là bạn từng gặp “vết thương về sự gắn bó” trong quá trình trưởng thành. Chẳng hạn, bố mẹ hay những người mà bạn tin tưởng có thể không đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình cảm của bạn. Điều này khiến bạn luôn lo lắng rằng họ có yêu bạn đủ nhiều như bạn mong đợi hay không? Hoặc mỗi khi họ tỏ ra giận dữ hay lạnh nhạt, trong bạn lại nhen nhóm lên niềm nghi hoặc rằng họ đã hết yêu mình rồi?
Bên cạnh đó, theo quan sát của mình, sự dựa dẫm về cảm xúc có thể đến từ cách mà bạn được giáo dục từ gia đình hoặc môi trường xung quanh. Ví dụ, một người phụ nữ xuất thân từ gia đình trọng nam khinh nữ thường lấy một người chồng gia trưởng theo đúng hình mẫu quen thuộc trong thời thơ ấu của họ.
Những người phụ nữ này được giáo dục rằng luôn phải nín nhịn, kiềm chế cảm xúc của bản thân để giữ cho gia đình yên ấm. Nhiều người trong số họ được dạy rằng không bao giờ được phép ly hôn dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Thực tại khắc nghiệt này khiến họ như bị tước đoạt quyền để tự khiến mình vui vẻ và hạnh phúc.
Một ví dụ điển hình khác, nếu là một người thuộc thế hệ 9X như mình, bạn cũng có thể liên hệ tới những bộ phim tình cảm siêu hot một thời của ngày trước. Những hình mẫu nữ chính quen thuộc luôn là bị động, yếu đuối, chờ đợi người khác đến để đem lại hạnh phúc cho mình.
Trên một tờ báo dành cho phụ nữ mà mình đọc được hồi tiểu học, có một cô gái 20 tuổi đã hoang mang hỏi rằng: “Nếu khu vực nhạy cảm của cô ấy có trót trắng trơn chứ không hề là “khu vườn bí mật” như bao người khác thì người yêu tương lai của cô ấy có chấp nhận?”
Câu hỏi này có vẻ lạ và khá “gây cười” nếu ở thời đại ngày nay nhưng lại là nỗi hoang mang của nhiều cô gái hơn 20 năm về trước.
Vấn đề cốt yếu ở nguyên nhân này nằm ở sự thay đổi về quan điểm và nhận thức của xã hội. Nhưng may mắn là ở thời đại ngày nay, khi mọi quan điểm đã dần thoáng và cởi mở hơn cũng như những kiến thức về cảm xúc dần trở nên phổ biến, mình nghĩ việc của chúng ta là không ngừng học hỏi về những công cụ để tự nâng đỡ chính mình.
Bản thân mình trước đây không biết tới cách làm việc với cảm xúc của bản thân nên mỗi khi có chuyện buồn, mình chỉ biết chia sẻ với người thân thiết.
Nhưng đến một ngày, mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không biết phương hướng giải quyết mà câu chuyện này lại chẳng thể chia sẻ cùng ai vì nhiều lý do. Vậy là mình đã trải qua sự chơ vơ, hoảng hốt, hoang mang và cuối cùng là tuyệt vọng.
Cảm giác bên trong như có ai bóp nghẹt đến ngạt thở. Mình như một linh hồn lang thang, mệt mỏi, không biết đi đâu và làm gì tiếp theo.
Thật may là những trải nghiệm khó khăn này lại chính là tiền đề để mình có động lực tìm hiểu về những vấn đề của cảm xúc. Mình từng bước học hỏi những điều cơ bản nhất trong sách vở và ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống.
Điều quan trọng nhất mà mình học được có lẽ là về tư duy khi đối mặt với nỗi buồn.
Đầu tiên, hãy học cách coi nỗi buồn như một sự trải nghiệm. Bước thực hành có thể ban đầu sẽ gây ra sự khó chịu và khó chấp nhận bên trong bạn rằng “Tại sao tôi lại phải trải nghiệm những điều khó chịu này? Sao tôi không được trải nghiệm niềm vui?”
Mặc dù cảm thấy khó chịu nhưng mình tin rằng bạn luôn hiểu cuộc sống luôn là một bản nhạc đan xen giữa nốt thăng và nốt trầm. Không có nỗi buồn, làm sao bạn trân trọng ý nghĩa của niềm vui hoặc bạn vẫn vui nhưng vui một cách hời hợt?
Tiếp đó, hãy tự chịu trách nhiệm cho nhu cầu tình cảm của mình.
Nếu nhu cầu của bạn là được yêu, được quan tâm, chăm sóc, hãy tự đem lại điều đó cho mình trước khi chờ đợi từ người khác.
Bạn cũng có thể thử thay đổi cách phản ứng của bản thân với những người mà bạn đang phụ thuộc cảm xúc vào họ. Chẳng hạn, thay vì chờ mong họ quan tâm, hãy chủ động thể hiện sự quan tâm của bạn trước. Thay vì khóc lóc, than vãn, hãy tập nói ra cảm xúc của mình một cách bình tĩnh và chân thành.
Hành trình để thoát khỏi tình trạng dựa dẫm về cảm xúc sẽ cần khá nhiều nỗ lực, thời gian và cả kiến thức. Nhưng mình nghĩ đây là một hành trình đáng để bạn bước vào bởi sau cùng, có lẽ nó sẽ là con đường đưa bạn đến với hạnh phúc tự thân: tự mình trao quyền tự mình đem lại hạnh phúc.