Nếu được chọn, có lẽ tất cả mọi người đều chọn một cuộc sống trọn vẹn, tròn đầy ở mọi khía cạnh..
Thu nhập tốt, tình yêu hạnh phúc, các mối quan hệ khăng khít, có thời gian cho sở thích và thú vui riêng.
Một hình ảnh cá nhân hoàn hảo, được mọi người tôn trọng và ngưỡng mộ.
Mới đây thôi, khi chồng mình hỏi rằng “Em muốn đạt được điều gì trong cuộc sống?”
Mình đã trả lời:
“Em muốn có một thu nhập tốt từ công việc mình thích, đủ để mua sắm không băn khoăn, có thời gian và tiền bạc để học nhảy, học đàn hay bất cứ khóa học nào em thích”.
Mọi người đều hào hứng khi nói đến ước mơ, viễn cảnh tương lai hạnh phúc.
Thế nhưng, điều quan trọng nhất mà chúng ta thường quên hỏi bản thân là:
“Bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì để đạt được cuộc sống mơ ước?”
Chẳng hạn, bạn có sẵn sàng dành ra 1 tiếng đồng hồ tập thể dục đều đặn mỗi ngày để có body hoàn mỹ như tượng tạc?
Bạn có từ bỏ những bộ phim hấp dẫn, những cuộc chat chit với bạn bè để giữ vững mục tiêu tự do tài chính trước 25 tuổi?
Cuộc sống là tập hợp của những quyết định và sự đánh đổi.
Kết quả cuộc sống hiện nay của bạn chính là tập hợp của hàng trăm quyết định mà bạn đã ký cam kết với bản thân trong quá khứ.
Vì vậy, sẽ thật vô lý nếu như bạn mong muốn sống đời mơ ước nhưng chẳng thèm bỏ công sức để nỗ lực một ngày nào.
Điều bạn muốn là trồng được một cái cây xanh tốt, sai quả trĩu trịt nhưng việc bạn làm lại là ném bừa một hạt giống xuống một đám đất khô cằn, rồi sau đó cầu trời cho hạt giống sẽ đâm chồi như một phép lạ.
Thật phi thực tế!
Thế nhưng tâm lý này lại vô cùng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Nguyên nhân là do đâu?
Đầu tiên là trì hoãn việc bắt đầu.
Rõ ràng việc tưởng tượng bản thân là một cây viết nổi tiếng, một chuyên gia truyền cảm hứng qua ngôn từ sẽ ngọt ngào hơn nhiều so với việc vật lộn với ý tưởng, câu chữ từ những đoạn văn 300 chữ đầu tiên.
Rồi làm sao để đối mặt với những ngày bí ý tưởng, những ngày chán viết, những lời chê bai, móc mỉa trên mạng xã hội?
Rồi làm sao để đối mặt với những ngày cô đơn, lầm lũi, không có thu nhập, không ai dẫn đường, không ai đồng hành?
Và thế là, cách tốt nhất để không đau đớn là trì hoãn làm những việc có thể khiến ta đau đớn.
Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu kiên trì.
Những người này tuy hơn nhóm nguyên nhân đầu tiên ở chỗ dám bắt đầu, nhưng kết quả sau cùng của họ cũng không khá hơn là bao.
Mình cũng từng là nhóm người này khi đặt mục tiêu học tiếng Anh giao tiếp.
Mình chọn cách nhại theo phim và video nhưng chỉ được một thời gian rồi chán.
Nguyên nhân của mình thường là:
- Hôm nay học cũng được 30 phút rồi, thưởng cho bản thân một chút (và tôi thưởng luôn cả mấy ngày hôm sau)
- Giọng mình nghe cũng hay đấy nhỉ, thôi hôm nay thế là ổn rồi
- Đọc lâu mỏi miệng quá, xem youtube giải trí chút vậy
Thật ra, mình vốn không phải là người kém tiếng Anh. Thậm chí, ở các lớp tiếng Anh, mình còn được khen là hoạt ngôn và nhiều thầy cô không hiểu vì sao tôi cần đăng ký học lớp giao tiếp.
Cho đến khi mình cứng đầu đòi học và học được một thời gian thì lời khuyên mình nhận được là:
“Em phát âm và phản xạ rất tốt rồi. Tất cả những gì em cần bây giờ là thực hành thường xuyên, vậy thôi”.
Lời khuyên tưởng chừng đơn giản ấy nhưng lại khiến mình vật vã hết ngày này qua tháng khác, mãi không thể vượt qua.
Đến bây giờ, những người bạn đại học từng ngưỡng mộ khả năng tiếng Anh của mình, đều đạt 7.0 IELTS, du học và làm việc tại nước ngoài.
Chỉ vì họ không ngại thực hành và họ kiên trì làm điều đó mỗi ngày.
Nguyên nhân thứ ba, điều bạn muốn không phù hợp với bạn.
Dĩ nhiên, bạn có quyền ước mơ và hành động để biến ước mơ thành hiện thực.
Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi:
“Liệu điều mình đang muốn có đúng đắn với bản thân mình, về nguồn lực, về tiềm năng, về đam mê?”
“Sau khi tìm hiểu về cả điểm sáng và góc tối của ước muốn đó, bạn vẫn kiên định với nó chứ?”
Thời còn học cấp 3, mình cũng từng muốn trở thành một chuyên gia pha chế nước hoa. Mình mê mẩn câu chuyện về người đã tạo ra mùi hương của XMen và tưởng tượng ra một phiên bản “cool ngầu” về bản thân tương tự như người đó.
Thế nhưng, khứu giác của mình không nhạy bén. Mình cũng chẳng thèm có kế hoạch cải thiện khứu giác của bản thân.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ vài tháng sau, cái mà mình gọi là “ước muốn” và “đam mê” cũng trôi tuột đi đâu mất.
Vấn đề của mình khi ấy ngoài việc thông tin hạn chế còn là suy nghĩ thiếu logic.
Điều này vô cùng quan trọng vì theo mình, suy nghĩ logic sẽ giúp bạn trở lại thực tế, thiết lập kế hoạch và tiến gần tới ước mơ.
Giấc mơ trở thành sự thật đương nhiên sẽ đáng khao khát hơn nhiều so với việc nó chỉ sống trong tưởng tượng của bạn.
Vì vậy, khi đã xác định được ước muốn của bản thân, bạn hãy diễn giải ước muốn của mình theo cấu trúc sau:
What – Ước muốn của bạn là gì?
Why – Tại sao bạn có ước muốn đó?
When – Khi nào thì bạn muốn ước muốn đó trở thành hiện thực?
How – Bạn sẽ thực hiện ước muốn của mình như thế nào? (Các bước cần thực hiện mỗi năm, tháng, tuần, ngày)
Khi đã tìm ra How – những nhiệm vụ cụ thể giúp bạn tiến gần đến ước muốn, hãy hỏi bản thân câu hỏi cuối cùng, cũng là câu hỏi quan trọng nhất:
“Bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì để hoàn thành kế hoạch và đạt được mục tiêu?”