Phải có cảm hứng mới có thể viết lách?

Sự thật là mình đang viết bài này trong tình trạng không hề có cảm hứng. Tuy nhiên, mình vẫn viết vì đó là việc mà mình cần làm và phải làm ngay bây giờ.

Suy nghĩ này khác hẳn với mình của 3 năm trước, khi mới bước chân vào con đường viết lách sáng tạo. Ngày trước, mình từng nghĩ rằng người làm nghề sáng tạo đều sống theo kiểu nghệ sĩ.

Cái định nghĩa “nghệ sĩ” của mình khi ấy là dù bạn có mất vài ngày để nghiên cứu khách hàng, nghiên cứu thị trường, lên ý tưởng nhưng hễ động đến việc viết thì bạn phải có cảm hứng mới có thể viết tốt.

Thế nhưng sau khi nghỉ việc full time và nhảy ào vào cuộc đời với nghề viết lách tự do, một kiểu công việc mà có làm thì mới có ăn, mình mới thấy tư duy này cần được chỉnh sửa ngay lập tức.

Thử tưởng tượng, bạn chờ cảm hứng để viết nhưng deadline có chờ bạn không? Khách hàng có chờ bạn không?

Nếu nhất định chờ cảm hứng thì một tháng bạn viết được bao nhiêu bài, kiếm được bao nhiêu tiền?

Nghĩ thôi đã thấy sự nghèo đói ở ngay trước mặt ^^

Thật ra cảm hứng là thứ không hề tồn tại về mặt khoa học.

Theo Giáo sư Ikegaya (Nhà nghiên cứu não bộ, chuyên ngành Sinh lý Đại não, Khoa Dược, Đại học Tokyo), “hứng” chỉ là một từ hư cấu do những người “nghĩ-là-mình-không-có-hứng” tạo ra mà thôi.

Con người chúng ta là sinh vật sẽ thấy có “hứng” sau khi hành động.

Chính vì vậy mà mong chờ cảm hứng thật ra lại là một hành vi trái ngược với thực tế.

Bạn có để ý rằng rất nhiều công việc bạn chỉ thực sự động tay vào khi deadline chỉ cách đó vài tiếng. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, càng làm thì bạn càng có cảm hứng và cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành đúng hạn.

Đừng ảo tưởng rằng làm việc sát deadline mới là thời điểm tốt nhất cho bạn cảm hứng, vì rõ ràng nếu thử một hôm bắt tay vào công việc sớm hơn, bạn cũng sẽ đạt được kết quả tương tự.

Với chuyện viết lách thì sao? Các nhà văn có cần chờ cảm hứng đến mới bắt đầu viết lách?Murakami là tác giả của Rừng Na Uy, hiện tượng văn học của thế giới với 4 triệu bán được trên toàn cầu nhưng chuyện trở thành nhà văn đến với ông hết sức bất ngờ và tự nhiên.

Viết tiểu thuyết ban đầu chỉ là một ý tưởng tình cờ, nhưng sau đó ông đã biến nó trở thành một nhiệm vụ cần hoàn tất. Khi còn là chủ quán bar, sau khi làm việc đến nửa đêm và dọn dẹp xong thì cũng gần sáng, Murakami vẫn chưa đi ngủ ngay.

Ông đã tranh thủ viết tác phẩm Lắng nghe gió hát trong khoảng thời gian 2-3 giờ sáng đến khi đôi mắt không đủ sức chống chọi với cơn buồn ngủ. Ông viết với tâm thế “Tôi quan tâm đến việc nó được hoàn tất chứ không bao giờ nghĩ rằng có cần ai biết đến hay không”.

Rất nhiều người viết khác cũng sử dụng chiến thuật viết hẹn giờ theo một thời gian biểu cụ thể. Họ buộc bản thân trong một buổi sáng phải viết được một số lượng chữ nhất định. Họ đã có sẵn ý tưởng (trong 1 cuốn sổ nhỏ được ghi chép hàng ngày) và có thời gian. Việc của họ bây giờ chỉ là viết.

Và sau này, khi vô tình đọc lại, đa số đều cho rằng những gì đã viết nhờ kỷ luật thời gian quả thật chất lượng không kém so với viết vì cảm hứng.

Vì thế, thay vì chờ đợi cảm hứng, một thứ vô định chỉ xuất hiện khi có hành động, bạn hãy rèn luyện khả năng lên ý tưởng, kỹ năng lên dàn ý, kỹ năng triển khai bài viết và kỹ năng biên tập.

Đó mới chính là những kỹ năng mấu chốt mà một người viết cần học tập và rèn luyện để dù có cảm hứng hay không, đó vẫn là một bài viết tốt và có thể sử dụng.

Mọi thành công đều dựa trên sự chủ động, đừng để nó phụ thuộc vào một thứ có tính bị động mang tên cảm hứng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *