Nỗi sợ viết lách là vấn đề mà ai làm nghề viết cũng gặp phải, đặc biệt là những newbie.Mình đương nhiên cũng không ngoại lệ. Một câu nói để diễn tả về bản thân mình khi mới viết là “Chẳng có gì ngoài sợ”.
Trong suốt quá trình lớn lên, dường như không có bằng chứng nào có thể chứng mình là mình có khả năng viết, chứ đừng nói đến viết lách kiếm tiền. Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ kể bạn nghe khởi nguồn hình thành nên nỗi sợ viết của mình. Trong khi mình tiến bộ, những nỗi sợ mới đã tiếp tục xuất hiện thế nào và mình đã giải quyết ra sao. Thử đọc xem bạn có giống mình không nhé.
Nỗi sợ xuất phát từ niềm tin trong quá khứ
Mình từng rất sợ viết. Rất rất sợ. Vì viết lách nhắc mình nghĩ đến môn văn trong suốt thời đi học. Mà học văn là gì? Là làm bạn với cuốn Để học tốt, phải học thuộc những bài thơ dài ngoằng và nêu cảm nghĩ. Cảm nghĩ mà không giống với sách Để học tốt thì điểm sẽ không cao. Với khả năng ngôn từ hạn hẹp của mình khi ấy, việc học thuộc thứ văn mẫu lai láng, cuồn cuộn cảm xúc trong Để học tốt là một cực hình. Và mình lựa chọn bỏ cuộc, duy trì điểm văn ở mức 6.0. Nỗi sợ văn, sợ viết của mình bắt đầu từ đó.
Vì liên tiếp đạt điểm trung bình với môn văn nên mình tin rằng mình sẽ không bao giờ viết giỏi.Thế nhưng, có một điều may mắn, cũng coi như một cơ duyên kéo mình gần hơn với nghề viết: mình là một người hướng nội.
Mình có rất ít bạn bè, nhưng đã làm bạn là rất thân. Tuy nhiên, có những chuyện buồn mà có kể với bạn bè xong cũng không khá hơn. Mình bắt đầu thử viết nhật ký. Quả thật, đây là một công cụ tuyệt vời. Trong quá trình viết, mình được phép tự do buồn, tự do khóc lóc, tự do buông xả cảm xúc.Viết xong, khóc xong cũng là lúc mình thấy nhẹ lòng.
Qua vài năm đi làm, đủ mọi công việc thì một ngày đẹp trời, mình nhìn thấy quảng cáo bán cuốn sách 90-20-30. Giống như được ai xui khiến, mình cứ đắm đuối với cuốn sách và quyết tâm mua về bằng được. Càng đọc thì mình càng cảm thấy công việc viết lách nói chung và copywriter nói riêng vô cùng thú vị. Mình bắt đầu nhen nhóm ước ao làm nghề viết dù chẳng biết bắt đầu từ đâu, và mình cũng sợ là không học chuyên ngành marketing thì sẽ không tìm được việc. Thế nhưng, cuộc đời đã cho mình cơ hội.
Nỗi sợ khi chập chững vào nghề
Giống như một câu nói trong cuốn Nhà giả kim, mình không nhớ chính xác nhưng đại ý là “Khi bạn thực sự muốn làm việc gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực để hỗ trợ bạn”. Mình nhận được cơ hội vào phòng marketing của một công ty sách tiếng Anh nhờ trước đó, mình đã làm việc ở phòng chăm sóc khách hàng và sales. Mình có sự thấu hiểu khách hàng, thành tích chốt đơn tốt, bài viết test khá ổn.
Yêu cầu viết lách của công ty lúc đó chủ yếu là viết bài chạy quảng cáo và viết câu chuyện thành công của khách hàng. Nhận được cơ hội thì vui nhưng lúc mới bắt đầu thì mình tự ti lắm. Ngày mới vào, khi nghe mọi người trao đổi công việc, mình có cảm giác như đang nghe một thứ ngôn ngữ khác vậy. Nghe từng chữ riêng biệt thì hiểu, lúc ráp chúng lại với nhau thì dường như không phải tiếng Việt :)))
Có quá nhiều thứ cần phải học, mình lo không theo kịp tốc độ của mọi người trong phòng. Mình lo bị đuổi việc. Thời gian đầu ấy, mình cũng suýt bị đuổi thật vì kết quả chạy quảng cáo từ bài viết không tốt. Thế là nỗi sợ ấy càng nhân lên, nó tràn ngập con tim mình, khiến mình mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
Nhưng may mà ở đây là công ty Startup nên bọn mình không chỉ viết mà còn làm nhiều việc khác nhau như khảo sát, phỏng vấn khách hàng, xin review của khách hàng và viết thành câu chuyện, viết bài chăm sóc fanpage, nghĩ cách để hạn chế sách lậu. Thế nên, mình cũng có cơ hội thể hiện bản thân ở nhiều khía cạnh hơn, cũng có cớ để sếp giữ mình lại lâu hơn.
Đó, kinh nghiệm rút ra cho người mới làm nghề viết là hãy xuất hiện nhiều hơn, thể hiện bản thân nhiều hơn.
Chưa có kinh nghiệm thì mình thể hiện ở sự nhiệt tình, cầu thị, chủ động, chu đáo. Hãy note lại những điều còn thắc mắc để hỏi, thậm chí phản biện nhưng hãy chú ý giao tiếp cho nhẹ nhàng, lịch sự, mang tinh thần xây dựng. Nói thật là không một leader có tâm nào lại không thích một người chịu khó học hỏi và có tham vọng phát triển. Nếu leader của bạn không như vậy thì có lẽ, đây không phải là nơi phù hợp cho bạn.
Nỗi sợ trong quá trình viết
Trong quá trình viết thì nỗi sợ cũng vô vàn, nhiều không kể hết. Mình biết là nhiều bạn thời gian đầu sẽ rất lo lắng và có thể cũng giống mình, bị nỗi sợ nhấn chìm. Bạn biết không, khi chúng ta bị nỗi sợ chi phối, đầu óc chúng ta sẽ tê liệt hoàn toàn. Và khi trong đầu chỉ toàn sợ hãi thì làm gì có không gian để nghĩ ra những điều tích cực hay những giải pháp mới mẻ?
Thế nên, mỗi khi bạn thấy mình chỉ ngồi 1 chỗ và sợ hãi, hãy tìm 1 nơi để viết chúng ra. Bạn có thể viết ra sổ, ra gg doc hay bất cứ đâu, miễn là đừng giữ lại trong đầu. Bên cạnh đó, hãy đặt câu hỏi “Tại sao mình lại có nỗi sợ này?” và trả lời thành thật với bản thân. Vì thông thường, giải pháp sẽ xuất hiện ngay khi bạn tìm ra nguyên nhân của nỗi sợ.
Dưới đây là một số nỗi sợ điển hình mà mình đã gặp và các biện pháp mình đã nghĩ ra ngay khi giải phóng nỗi sợ lên trang giấy.
Sợ vốn từ không đủ
Đọc nhiều vào và hãy đọc những gì mình đang thiếu. Thiếu vốn từ về lĩnh vực nào, hãy đọc các tác phẩm về lĩnh vực đó, thể loại nào cũng được. Lâu dần ngôn ngữ tự thấm vào người. Muốn nhanh hơn, hãy note lại những từ hay ho, đắt giá và sắp xếp chúng theo từng danh mục. Khi bí từ là bạn đã có ngay kho ngôn ngữ dự trữ để sẵn sàng mang vào sử dụng rồi.
Sợ diễn đạt ngô nghê
Cái này cũng giải quyết bằng việc đọc nhiều. Nhưng không chỉ đọc mà cần phân tích. Xem đoạn văn ấn tượng ấy có bao nhiêu câu ngắn, bao nhiêu câu dài. Ngắn khoảng bao nhiêu chữ, dài khoảng bao nhiêu chữ. Cấu trúc của câu văn đó thế nào, từ ngữ sử dụng ra sao. Sau khi đọc xong, thử biên tập lại bài viết của mình và nhìn ngắm thành quả.
Sợ hành văn không mượt mà
Sự mượt mà của bài viết không chỉ ở mặt ngôn từ mà còn có nhịp điệu uyển chuyển. Để giải quyết vấn đề này, hãy đọc to câu văn của bạn lên. Nếu cảm thấy nó trúc trắc, không xuôi tai, hãy thử thay thế bằng các từ đồng nghĩa với dấu câu bằng trắc phù hợp hoặc thay đổi lại cách diễn đạt.
Sợ bị người khác chê cười
Để viết hay, ai cũng phải đi lên từ viết dở. Đừng tự so sánh chương 1 cuộc đời mình với chương 20 cuộc đời người khác. Viết là một kỹ năng có thể rèn luyện và chắc chắn sẽ tốt dần lên theo thời gian. Thế nên, ai cười thì kệ người ta. Bạn cũng không cần phải giao tiếp với người đã cười cợt bạn.
Sợ viết chậm
Điều này hết sức bình thường. Vì khi mới viết, cả vốn từ và cách diễn đạt của bạn còn hạn chế nên tốc độ nặn chữ của bạn sẽ lâu hơn người viết lâu năm. Theo mình, giải quyết cho vấn đề này cần kết hợp 2 giải pháp.
Thứ nhất là luyện viết hàng ngày với các chủ đề đơn giảnnhư 1 cách để khởi động và “làm nóng” mạch viết. Ví dụ, “Hôm nay, bạn cảm thấy thế nào? Bạn yêu thích điều gì nhất trong cuộc sống của mình? Kể về một bộ phim khiến bạn ấn tượng.” Khi vượt qua các chủ đề nhỏ một cách dễ dàng, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy tự tin và tăng 200% sức mạnh để chinh phục các chủ đề lớn hơn. Đồng thời, luyện viết hàng ngày cũng là cách để bạn vừa rèn luyện kỹ năng vừa giải phóng cảm xúc.
Thứ hai, để tốc độ đẻ chữ nhanh hơn, thử đặt đồng hồ 5 phút và ép mình viết không ngừng nghỉ, kể cả khi bạn thấy mình đang gõ sai chính tả. Tốt nhất, để tránh nhìn thấy lỗi sai, bạn hãy nhắm mắt lại và viết. Hãy để đôi tay kết nối với những suy nghĩ trong đầu bạn, viết với tốc độ nhanh nhất có thể. Viết ra bất cứ suy nghĩ nào có trong đầu về chủ đề đó, không cần sắp xếp, không cần quan tâm đến dàn ý.
Đây chỉ đơn thuần là một bài tập giúp bạn khơi thông dòng suy nghĩ. Hồi mới viết bài chạy quảng cáo, có khi mình ngồi cả ngày trời không viết được chữ nào. Mình luôn co bản thân vào vỏ bọc tự ti khi ai đó đề cập đến năng suất viết lách.Nhưng khi luyện bài tập này, chỉ trong 5 phút mình đã viết được tới 700 chữ. Điều không ngờ là những suy nghĩ rời rạc và xuất hiện nhất thời này lại đem về cho mình những ý tưởng thú vị.
Sợ lan man, lạc khỏi dàn ý
Mình từng viết dàn ý rõ ràng nhưng viết nửa chừng lại gạch bỏ và viết bài mới. Lý do là vì ban đầu, mình không xác định rõ mục tiêu bài viết, đối tượng đọc bài, ngôn ngữ, tone giọng. Quá trình viết càng trơn tru càng đòi hỏi bạn phải có bước chuẩn bị kỹ càng.Nhiều người cho rằng việc viết theo dàn ý sẽ làm bài viết khô cứng, thiếu cảm xúc.
Nhưng sự thật là một bài viết cũng giống như một cơ thể. Những thứ như dàn ý, mục tiêu, đối tượng, tone giọng sẽ là bộ khung xương. Còn ngôn ngữ, cách diễn đạt, các thủ pháp sẽ là phần da thịt mà bạn đắp vào. Lập luận càng chặt chẽ, logic, có trật tự thì khung xương càng vững chắc, cơ thể càng khỏe mạnh.Như vậy, việc lập dàn ý, xác định mục tiêu, đối tượng chẳng liên quan gì đến chuyện khô khan, thậm chí nó còn giúp bài viết của bạn có tính logic và dễ theo dõi hơn là những cảm xúc miên man không được dẫn đường.
Sợ bài viết thiếu kiến thức
Dễ giải quyết quá rồi. Thiếu kiến thức thì phải học để có kiến thức thôi. Ngoài đọc ra, bạn có thể xem video, nghe sách nói, nhanh hơn là đi phỏng vấn người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Sợ bị cho là triết lý, khoe chữ khi công khai bài viết
Sự thực là cũng có vài người nghĩ thế thật, nhưng bạn không cần quan tâm đến họ.Hãy cứ viết đừng ngần ngại vì biết đâu, câu chữ của bạn đang giúp khai sáng cho một người nào đó trên cuộc đời này. Đối với bạn, nó là những câu văn ngẫu hứng. Nhưng với người khác, nó có thể mang lại ý nghĩa vô biên.
Chốt lại
Nói chung, nỗi sợ là một điều tất yếu trong hành trình viết lách của bạn. Nhưng rồi bằng một cách nào đó, chúng ta vẫn vượt qua và tiếp tục gặt hái những thành công mới.
Điều hài hước là khi bạn tiến thêm những bước mới, những nỗi sợ mới cũng sẽ xuất hiện và phát triển theo từng bước đi của bạn. Nhưng đừng quá lo về chuyện này. Khi bạn vượt qua những nỗi sợ cũ và đối mặt với những nỗi sợ mới thì điều đó chứng tỏ là bạn đang tiến bộ hàng ngày. Thế thì sợ gì mà không sợ nhỉ?