Muốn xây dựng sự nghiệp với kỹ năng viết lách, bạn buộc phải công khai các sản phẩm viết của mình.
Tuy nhiên, một sự thật mình quan sát được khi “nằm vùng” nhiều group viết lách là có những group lên tới vài chục hoặc vài trăm ngàn thành viên nhưng chỉ 20 – 30 thành viên tích cực đăng bài. Cũng có trường hợp, người viết hoạt động tích cực trên các hội nhóm nhưng lại không hề viết gì trên trang cá nhân.
Lý do cho điều này là gì? Nhiều người chia sẻ rằng họ sợ.
Dù khát khao muốn thể hiện bản thân vẫn đang cháy bỏng, cứ đến giây phút quyết định có nên đăng công khai bài viết hay không thì “khát khao” và “nỗi sợ” như 2 võ sĩ quyền anh đang thi đấu 1:1 trên võ đài. Và lần nào “nỗi sợ” cũng chiến thắng.
Trong bài viết dưới đây, hãy cùng mình khám phá xem “nỗi sợ” này có gì mà lại lợi hại như vậy và cách khắc phục như thế nào nhé.
1. Người viết sợ gì khi chưa dám công khai bài viết?
Nỗi sợ thứ nhất: Chưa biết bắt đầu từ đâu
Điều này thường phổ biến với những người chưa có thói quen viết lách. Những biểu hiện cụ thể của nhóm người này là không có ý tưởng hoặc quá khó tính trong việc lên ý tưởng, không biết viết theo bố cục thế nào để truyền tải một thông điệp cụ thể hoặc thiếu vốn từ. Vì vậy, khi không biết phải làm gì, họ thường bối rối và nhanh chóng bỏ cuộc.
Nỗi sợ thứ hai: Sợ mình viết không hay
Điều này thường xuất phát từ tâm lý “người hoàn hảo”. Bạn muốn mọi thứ của mình khi xuất hiện trước công chúng phải thật long lanh và không tì vết. Bởi nó giống như một thứ gì đó đại diện hoặc định hình con người của bạn vậy.
Việc lộ ra những khuyết điểm của mình trước mặt người khác đối với bạn dường như là điều gì đó rất kinh khủng. Và bạn sẽ không cách nào chấp nhận được chuyện này.
Thế nhưng nghịch lý của chuyện tập viết là càng công khai và cho phép người khác nhận xét bài viết của mình, bạn càng nhanh tiến bộ. Dĩ nhiên, hãy tạo cho mình một bộ lọc thông tin, đón nhận những ý kiến mang tính xây dựng (dù đồng thuận hay trái chiều) và làm ngơ trước những quan điểm tiêu cực.
Nỗi sợ thứ ba: Sợ không ai đón nhận (hay còn gọi là nỗi sợ bị từ chối ngầm)
Lúc mới tập viết, cứ mỗi phút mình lại vào kiểm tra số like và bình luận của bài viết. Họ bình luận gì, mình cũng phải trả lời ngay. Bởi việc có người chịu bỏ thời gian đọc bài viết, góp ý hoặc dành lời khen đã tạo ý nghĩa và động lực rất nhiều cho mình.
Nhưng cũng vì vậy, khi bài viết chỉ lèo tèo 1,2 like, mình hụt hẫng vô cùng. Mình cho rằng điều đó có nghĩa là bài viết của mình không có giá trị và mọi người đang từ chối nó. Suy nghĩ này khiến mình hoài nghi năng lực bản thân và không còn động lực để viết tiếp.
Nỗi sợ thứ tư: Sợ viết bằng trải nghiệm cá nhân thì không hữu ích và không đủ kiến thức
Nỗi sợ này đã ngăn cản nhiều người viết chia sẻ cho người đọc những bài học quý báu mà bản thân họ đã nghiệm ra. Họ sợ trải nghiệm của mình không đáng để nói tới hoặc không đại diện cho một quy luật phổ biến. Họ sợ mình đóng vai chuyên gia nhưng không đủ kiến thức để chia sẻ. Vì vậy, họ viết rồi lại chần chừ trong nỗi lo có nên công khai hay không.
Nỗi sợ thứ năm: Sợ hình tượng trở nên xa lạ
Ví dụ, bạn vốn là một người chỉ chia sẻ những video dễ thương của lũ mèo hay khoảnh khắc nhí nhố cùng đám bạn. Nhưng một ngày đẹp trời, bạn nổi hứng đăng một bài viết 800 chữ đầy nghiêm túc và suy tư.
Cảm hứng vừa lên cao đã bị dập tắt bởi phản ứng đùa vui của bạn bè cứ như thể bạn bị hack nick vậy. Và sau đó, không có sau đó nữa. Vì bạn quyết định tiếp tục làm những gì mình vẫn thường làm để tránh bị người khác chú ý hoặc cười cợt.
Điều này cũng dễ hiểu vì chúng ta thường sợ bị đánh giá khi có những hành động không giống với ngày thường. Ta lo bị người khác phủ nhận là không phù hợp khi ta cố gắng xây dựng hình ảnh mới.
2. Quy trình “bắn tỉa” nỗi sợ để tự tin công khai bài viết
Mặc dù “khát khao” là một võ sĩ tiềm ẩn nhiều nội lực nhưng “anh” vẫn chưa thể rũ bỏ hoàn toàn sự nhút nhát. Vì vậy, trong trận đấu dai dẳng với “nỗi sợ”, thay vì tấn công trực diện, có lẽ chiến thuật phòng thủ và đánh tỉa đối thủ từng chút một sẽ phù hợp với anh hơn.
Liệu có một quy trình nào giúp “khát khao” từng bước đánh tỉa “nỗi sợ” và hiên ngang chiến thắng trên võ đài?
Câu trả lời là có. Và nó chính là những gì bạn sẽ tiếp tục đọc ở dưới đây.
Bước 1: Lập ra nhật ký sợ hãi và theo dõi hành trình
Cách tốt nhất để thoát khỏi nỗi sợ là hãy đối mặt với nó.
Ngày hôm nay, bạn hãy viết ra những điều sau:
-
Tôi đang có nỗi sợ nào trong việc công khai bài viết?
-
Vì sao tôi lại có những nỗi sợ này?
-
Tôi đã từng tìm cách vượt qua nỗi sợ này chưa, cách làm đó có đủ tốt không và kết quả của nó là gì?
-
Làm thế nào để tôi vượt qua nỗi sợ này triệt để hơn?
Ví dụ:
-
Khả năng lập luận của tôi không tốt nên khi công khai bài viết, tôi sợ mọi người phát hiện ra điều đó và chê cười.
-
Tôi có nỗi sợ này vì bản thân tôi hay nghĩ ngợi không chủ đích nên các bài viết thường bị lan man. Ngoài ra, tôi cũng để ý quá nhiều đến ý kiến của người khác.
-
Tôi đã thử lập dàn ý cho mỗi bài viết để cải thiện tính logic, tuy nhiên tôi mới chỉ lập ra các ý chính. Thế nên khi triển khai cho các ý phụ, tôi thường sa đà vào những câu chuyện mà tôi cho là đặc sắc nhưng không liên quan nhiều đến chủ đề bài viết.
-
Tôi cần lập dàn ý cho từng ý nhỏ, đảm bảo tính logic, có đầy đủ nguồn tham khảo cho từng ý rồi mới bắt đầu viết bài chi tiết, tránh tình trạng viết gần hết rồi mới thấy sai sai, lại làm dàn ý mới gây mất thời gian.
Có thể bạn không biết, khi theo dõi diễn biến của nỗi sợ với hành trình như thế này, bạn sẽ biết được diễn biến phát triển của nó. Có nỗi sợ nào vừa mới dịu đi nhưng vì một lý do nào đó lại dấy lên mạnh mẽ không?
Chuyện đó có xảy ra theo một vòng lặp?
Khi hiểu rõ bản thân, dần dần bạn sẽ tìm ra phương án để thay đổi kết quả cho những vòng lặp này, nhờ đó bạn tự tin tiến về phía trước.
Bước 2: Chia sẻ ở nơi có nhiều người đang tập viết
Khi mới bắt đầu, trái tim của người viết vô cùng mong manh. Cái họ cần đầu tiên không phải những gạch đỏ chỉnh sửa choe choét dễ gây nản lòng mà là sự thúc đẩy, cổ vũ để duy trì thói quen tập viết hàng ngày.
Bởi viết là một quá trình. Khả năng viết của mỗi người rồi cũng tự tiến bộ sau khi họ kiên trì luyện tập một thời gian.
Vì vậy từ lúc bắt đầu, họ không cần những nhà phê bình, họ cần người cổ vũ.
Để chia sẻ bài viết của mình, bạn có thể chọn lựa nhiều hội nhóm trên Facebook để bắt đầu, ví dụ như: Người viết lách, Mỗi ngày một chút content, Viết hay không bằng hay viết, On Writing Daily – Viết đi đừng sợ…
Một số nhóm viết lách không chỉ có tương tác sôi nổi mà các thành viên còn cùng nhau hoàn thành các dự án viết thú vị.
Điều đó có nghĩa là bạn không chỉ được tập viết và tiến bộ mỗi ngày mà còn có cơ hội được ghi tên mình vào một cuốn sách trong dự án nào đó.
Bước 3: Chia sẻ ở các group viết chuyên nghiệp
Sau khi đã cứng tay và tự tin hơn ở các group tập viết hàng ngày, bạn có thể “di cư” sang các cộng đồng chuyên nghiệp dành cho những người viết lách kiếm tiền.
Khi chia sẻ nội dung ở đây, bạn sẽ không viết tự do về các chủ đề trong cuộc sống như các group tập viết, thay vào đó là những nội dung chuyên về kiến thức hoặc kinh nghiệm. Đương nhiên, bạn vẫn có thể lồng ghép những câu chuyện cá nhân nếu phù hợp.
Ưu điểm của việc viết trên các group chuyên nghiệp này là gì?
Thứ nhất, bạn được chia sẻ kiến thức và quan điểm của mình, giúp người đọc hiểu biết hơn về một vấn đề. Và thông qua cách bạn viết, họ cũng hiểu về bạn hơn. Càng xuất hiện thường xuyên, bạn càng được người khác nhớ đến.
Họ sẽ chủ động theo dõi, kết bạn với bạn, chủ động đón đọc nhiều bài viết hơn từ bạn. Bạn được thỏa mãn cảm giác mình là người hữu ích và tự hào.
Thứ hai, các group chuyên nghiệp này luôn có sự xuất hiện của nhiều khách hàng tiềm năng. Hãy tưởng tượng quá trình bạn đi tìm khách hàng giống như ra sông kiếm nước.
Việc bạn nhọc công tìm kiếm từng khách hàng một cũng tương tự bạn đang múc từng gáo nước: vất vả và rủi ro, vì nước có thể đổ giữa đường. Khách hàng chưa chắc đã “chốt đơn”. Thế nhưng khi bạn chủ động chia sẻ kiến thức, bạn giống như đang tạo ra một hệ thống ống nước dẫn thẳng từ sông về nhà: An toàn, tự động và rủi ro thấp.
Bạn thích lựa chọn nào hơn?
Bước 4: Chia sẻ bài viết, thành quả trên trang cá nhân
Sau khi có một vài thành quả nhất định, bạn hãy khoe điều này trên trang cá nhân. Bạn có thể chia sẻ suy nghĩ khi bài viết trên group được vài trăm lượt share, bài viết trên cộng đồng Spiderum được đăng lên kênh Youtube và có trả thù lao, bạn có bài viết đăng báo hoặc chỉ đơn giản là những bình luận tích cực về bài viết của mình.
Hãy nghe lời mình, thử làm mà xem. Nhiều bạn bè, người thân sẽ vào chúc mừng bạn dù họ không hiểu nhiều về điều bạn đang chia sẻ. Nhưng chẳng phải khi nhận được lời chúc mừng, chúng ta sẽ luôn vui vẻ, tích cực và càng có niềm tin vào mình hay sao?
Bước 5: Cùng nội dung bài viết nhưng hãy xuất hiện trên kênh youtube cá nhân
Hồi trước, mình thường có một buổi gặp mặt 2 tiếng với Life Coach cá nhân mỗi tuần. Chị vừa là quản lý trong các dự án mình làm, vừa là mentor. Trong các buổi làm việc của hai người, có một điều mình được yêu cầu làm nhưng luôn trì hoãn để bắt đầu đó là quay video cho các bài viết.
Khi bị chị “truy hỏi” đến cùng, não mình cũng rất linh hoạt để nghĩ ra nhiều lý do. Lúc thì “em không biết edit clip, mặt em đang bị mụn, xấu lắm”, lúc thì “thôi, em chia sẻ bài viết cũng được mà, em vẫn chia sẻ tiếng nói của mình, chỉ là hình thức khác thôi”.
Chắc bạn cũng cảm thấy những lý do của mình, không có cái nào thực sự hợp lý phải không?
Sau cùng, trong một buổi coach, mình đã thẳng thắn thừa nhận với chị là:
“Em cảm thấy bản thân mình rỗng tuếch. Những thứ em chia sẻ, dường như đều có người chia sẻ cả rồi, thậm chí cách họ làm còn đặc sắc, thú vị hơn cả em. Và em sẽ còn cảm thấy kinh khủng hơn khi trưng bộ mặt của mình cho cả thế giới thấy”.
Và chị, cho mình một câu ngắn gọn nhưng dội trúng tim đen:
“Em đang hướng ra bên ngoài quá nhiều mà không tìm về bên trong”.
Mình ngạc nhiên vì rõ ràng trong quá trình trở thành cây viết tự do như hiện tại, mình đã thực hành việc tìm về bên trong nhiều lần để xem khả năng của mình là gì, mình muốn gì ở mỗi công việc, mình sẽ là ai trong sự nghiệp viết lách. Hóa ra vẫn chưa đủ.
Cái hướng về bên ngoài của mình là đọc vô số bài viết của người khác, cảm thấy họ giỏi giang, sâu sắc còn mình thì tẻ nhạt như một trang giấy trắng.
Cũng chính vì suy nghĩ này, có một thời gian khi chăm blog, mình đã có ý định đi tìm bài viết tiếng Anh để dịch thay vì tổng hợp kiến thức và viết ra trải nghiệm của bản thân.
Trong khi mình khuyên mọi người nên trân trọng câu chuyện của bản thân thì chính mình lại phớt lờ.
Thế rồi, sau khi tìm ra lý do ẩn sâu bên trong, và cũng vì không muốn nợ “bài tập” với Life Coach của mình thêm, mình đã thử quay video đầu tiên.
Sau khi cài đặt điện thoại, bật bộ lọc cho tự tin với nhan sắc, mình bắt đầu nói những câu đầu tiên trong kịch bản. Kết quả trái ngược hoàn toàn với những gì mình đã tưởng tượng. Mình cứ nghĩ bản thân sẽ ấp úng, ngượng nghịu nhưng không.
Mình trong màn hình trước mắt dù ngôn ngữ cơ thể chưa thật phong phú và xuất sắc nhưng cũng khó tìm ra dấu hiệu của sự lo lắng hay thiếu tự tin. Mình tâm niệm đây là bài viết được chia sẻ từ câu chuyện của cá nhân mình. Vì vậy, việc của mình chỉ đơn thuần là kể lại nó cho người khác. Và mọi thứ cứ thế trôi chảy.
Bên cạnh đó, mình còn nhận ra bản thân đang cố theo dõi hình ảnh phản chiếu trong màn hình điện thoại để xem có chỗ nào cần động tác cơ thể tốt hơn rồi tự chỉnh sửa.
Khi ngôn ngữ cơ thể trở nên nhiệt tình, sự tự tin trong mình cũng lớn mạnh hơn bao giờ hết. Mình cảm nhận rõ dòng chảy của năng lượng đang tuôn ào ạt trong cơ thể, trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ hiện lên trên màn hình.
Mặt khác, bạn có để ý không, chúng ta thường cảm thấy tin tưởng và bị hấp dẫn với những diễn giả có ngôn ngữ cơ thể tự nhiên và tự tin. Và mình, sau khi tự “ngắm” bản thân qua video, cũng có cảm giác tương tự.
Bạn không nhầm đâu. Mình cảm thấy bị hấp dẫn bởi chính mình và mình tin tưởng vào chia sẻ của bản thân. Nhờ lòng tin này, động tác cơ thể của mình càng trở nên nồng nhiệt, hình ảnh trên video càng trở nên hấp dẫn.
Hai thứ này dường như có tác động qua lại lẫn nhau. Giống như khi hồi hộp trước một buổi thuyết trình, bạn sẽ nắm tay thành nắm đấm vì đó là hành động định hình cho sự tự tin. Ngay sau đó, sự tự tin đã đến thật sự và nắm đấm quyết tâm của bạn lại càng được nắm chặt.
Sau trải nghiệm quay video đáng nhớ, mình cảm nhận bản thân đã đạt tới trạng thái đỉnh cao của hành trình giải phóng nỗi sợ. Giờ đây, mình chắc rằng mình có thể chia sẻ bài viết trên bất cứ định dạng nào mà mình muốn. Còn sau đó, nếu như có bất kỳ nỗi sợ nào phát sinh, nó cũng chẳng có gì to tát bởi mình sẽ sớm vượt qua điều đó thôi.
Và mình cũng tin rằng, nếu như bạn thực hiện theo quy trình “bắn tỉa” này, bạn cũng sẽ vượt qua được nỗi sợ công khai bài viết và có được điều bạn mong muốn.