Bài học về sự khởi đầu dành cho người viết

Mình rất yêu món phở áp chảo. Và trong suốt hơn 10 năm kể từ ngày ăn bát phở áp chảo đầu tiên, mình chỉ gắn bó với đúng một quán duy nhất.

Thế nên, ngày biết tin quán phở đó chuyển vào Nam, mình hụt hẫng vô cùng. Bởi kể cả mình đang ở Nam Định, một địa danh nổi tiếng cả nước với món phở bò, và cũng chẳng thiếu gì quán phở ở đây thì cũng không có quán nào khiến mình ăn ngon miệng như vậy.

Thế rồi, sau khi quán này đi thì quán khác tới. Người chủ mới cũng có menu đồ ăn y hệt như quán cũ, nhưng món phở áp chảo thật sự dở tệ.

Cũng thịt bò, cà chua, rau cải, bánh phở đấy nhưng chúng giống như những đứa trẻ cứng đầu, đứa nào cũng muốn thể hiện bản sắc riêng mà không chịu bắt tay nhau cùng làm ra một hương vị hòa quyện. Buồn lắm nhưng mình vẫn bấm bụng ăn tại quán này vì đó là quán phở duy nhất vừa gần nhà lại vừa túi tiền của mình lúc đó.

Bẵng đi một thời gian dài mới trở lại quán vì học đại học ở Hà Nội, mình nhận thấy món phở lần này đã gần giống 100% với hương vị mà mình vẫn ước ao thuở bé.

Thì ra người chủ quán vẫn cải thiện món ăn của họ hàng ngày và kiên trì làm điều đó trong suốt 10 năm. Quán của họ ngày càng đông khách dù khởi đầu không mấy hoàn hảo.

Thế nhưng điều này thì có liên quan gì tới viết lách?

Trong cộng đồng những người làm nghề viết lách tự do như mình, hầu như bất kỳ ai, dù mới viết những dòng đầu tiên hay đã kiếm được tiền từ viết lách đều đối mặt với một nỗi sợ, đó là sợ mình không đủ giỏi. Nỗi sợ này giống như một tảng đá cản đường, khiến họ chùn chân và không dám tiến lên phía trước.

Bất kể một sự thật rằng ở trong các nhóm viết lách riêng tư, họ luôn được công nhận là các cây viết tiềm năng thì đâu đó trong tâm hồn họ, vẫn bị trói buộc bởi một sự tự ti khó giải thích.

Mình cũng từng như vậy. Khoảng 2 năm trước đây, chưa bao giờ mình dám đăng một bài viết nào thể hiện quan điểm cá nhân một cách nghiêm túc. Hầu như mọi thứ mình đăng đều là chia sẻ bài viết của người khác, thêm vài ba câu vô thưởng vô phạt, coi như dùng bài viết đó để nói thay tiếng lòng.

Cũng có lúc, mình chia sẻ các sản phẩm viết về facebook cá nhân, nhưng lại núp lùm đằng sau fanpage của công ty, những con số về lượt like, comment và chia sẻ (sau khi được chạy quảng cáo). Mình làm điều này với một niềm tự hào rằng “Bài viết của tôi cũng hay ho và có tương tác tốt đấy.”

Thế nhưng, khi quyết định chuyển việc sang một công ty khác, bắt đầu với một fanpage mới, một lĩnh vực mới hoàn toàn thì mình bị ngã ngựa. Mình đau đớn nhận ra những giá trị mà mình tưởng là thuộc về mình, hóa ra đã được xây dựng sẵn trên nền tảng của công ty.

Mình có cảm giác bản thân bị mất trắng, rỗng tuếch, mất phương hướng và không còn niềm tin.

Đó cũng là lý do mạnh mẽ nhất thôi thúc mình buộc phải công khai các sản phẩm viết với tư cách cá nhân, để xem khi mình đứng một mình, không núp sau bất cứ ai thì mọi thứ sẽ đi về đâu.

Nhưng cũng giống như bất kỳ ai, ở những lần đầu tiên, mình đã phải đấu tranh nội tâm rất lâu mới dám bấm nút đăng bài trên một group viết lách.

Kết quả khá khả quan, bài viết đầu tiên của mình có hơn 20 lượt chia sẻ và có tới 5,6 bạn inbox để nhờ hướng dẫn viết. Điều này vừa khiến mình vui sướng, nhưng cũng làm mình sợ hãi.

Mình sợ bản thân chưa đủ tốt để có thể hướng dẫn các bạn. Thế nên, thay vì nhận trọng trách hướng dẫn về mình, mình lại đá quả bóng này sang cho người khác. Mình lại thêm một lần nữa chìm sâu xuống vực thẳm sợ hãi.

Phải đến 6 tháng sau, khi được truyền thêm niềm tin và động lực bởi những người vừa là khách hàng, vừa là mentor của mình thì nỗi sợ này mới dần dần được xoa dịu và chữa lành.

Mình tiếp tục quay trở lại với các bài viết được chia sẻ trên trang cá nhân, fanpage, blog và cả trên nền tảng Spiderum.

Mình nhận ra trong lần quay trở lại này, khi nhận được bình luận tích cực thì mình vui và cảm thấy có thêm động lực, nhưng nhận được bình luận trái chiều, mình cũng không hề suy sụp.

Ngược lại, mình bình tĩnh phân tích cho họ về góc nhìn cá nhân và phạm vi bài viết của mình và phải công nhận, bình luận của họ mang lại một góc nhìn thú vị và giúp ích rất nhiều cho mình trong cách lập luận. Sau cùng thì mỗi lần trở lại sau gục ngã lại là một lần mình tự tin và kiên định hơn hẳn.

Thế nên, thay vì yêu cầu bài viết của mình phải xuất sắc như các cây viết lâu năm rồi mới dám đăng, tại sao bạn không công khai nó ngay từ bây giờ?

Quá trình đi từ hoàn thiện đến hoàn hảo sẽ được rút ngắn cả chục lần nếu bạn cho phép người khác cùng tham gia giúp sức, thay vì phải tự lăn lộn một cách cô đơn.

Cũng giống như câu chuyện về món phở, khi mới bắt đầu, bạn chưa cần phải làm ra một bát phở hoàn hảo như các cửa hàng phở gia truyền lâu năm. Hãy làm một bát phở tốt nhất trong khả năng của mình và để những phản hồi của người ăn phở khiến món ăn của bạn trở nên hoàn hảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *